Trạm Y Tế Xã Dương Thành

Cập nhật lúc 10:22 - 10/10/2024
Đánh giá bài viết
Xã Dương Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên
Hotline: 0985852077
Mở Cả Ngày

information Giới thiệu

GIỚI THIỆU CHUNG

1. Lịch sử hình thành

Dương Thành xưa kia thuộc xã Nỗ Dương, tổng Đức Liên, phủ Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên; nhân dân trong xã sinh sống rải rác ven chân núi Đót, núi Chẻo. Theo sách Tên làng xã và địa giới các tỉnh Bắc Kỳ của Ngô Vi Liễn do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin Hà Nội xuất bản năm 1999, tổng Đức Liên đầu thế kỉ XIX gồm 3 xã: Đức Liên, Loa Lâu và Nỗ Dương. Xã Đức Liên có 4 làng: Vàng Thôn, Ngoại Thôn, Diễn Thôn và Viên Thôn. Xã Loa Lâu có 3 làng: Kính Nỗ, Phượng Quần và Hoa Sơn. Xã Nỗ Dương có 8 làng: Núi Thôn, Nhược Thôn, Phẩm Thôn, Dương Thôn, Nẩy Thôn, Chùa Thôn, Xá Thôn và
Lệnh Thôn.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, đơn vị hành chính cấp phủ, châu, tổng bị xóa bỏ. Các xã thuộc tổng Đức Liên sáp nhập thành một xã lấy tên là xã Đức Dương (thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Đến năm 1950, hai xã Đức Dương và xã Phao Thanh (tức xã Lương Phú và Thanh Ninh ngày nay) hợp lại thành xã Đức Liên. Tháng 4/1953, trong quá trình thực hiện giảm tô, xã Đức Liên chia tách thành 4 xã: Dương Thành, Tân Đức, Lương Phú và Thanh Ninh. Xã Dương Thành chính thức được thành lập chủ yếu trên phần địa giới hành chính của xã Nỗ Dương trước kia.

2. Vị trí, diện tích, dân số

a) Vị trí

Xã Dương Thành nằm ở khu vực Đông Nam huyện Phú Bình, cách trung tâm huyện 12km; phía Đông giáp 2 xã Lam Cốt, Phúc Sơn (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang); phía Tây giáp xã Thanh Ninh (huyện Phú Bình); phía Nam giáp xã Hoàng Thanh (xã ATK huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) và xã Việt Ngọc (xã ATK huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang); phía Bắc giáp xã Tân Đức (huyện Phú Bình).

Địa hình của Dương Thành khi xưa chưa thuận lợi như ngày nay. Những cư dân đầu tiên đến khai phá vùng đất này đã từng bước cải tạo, phát quang cây cối, san đồi thành những cánh đồng bằng phẳng để canh tác. Về cơ bản, địa hình nơi đây tương đối bằng phẳng. Các đồi gò hình bát úp có dạng đỉnh bằng tròn, sườn thoải, với độ cao dưới 100m; xen kẽ là một số khu ruộng dộc và các cánh đồng chiêm trũng.

Trước đây, việc đi lại giữa các xóm chủ yếu bằng đường đất nhỏ, men theo các chân đồi, gò. Cùng với quá trình lập làng, lập xóm, các thế hệ nhân dân Dương Thành đã tu bổ, nâng cấp hệ thống giao thông. Tỉnh lộ 261C chạy qua các xóm: Quyết Thắng, Tiến Bộ, Đảng, Phú Dương 1, Núi 1 theo hướng Đông - Tây với tổng chiều dài khoảng trên 1 km. Đây là tuyến giao thông chính, nối Dương Thành với các xã bạn, tạo điều kiện thuận lợi trong giao lưu kinh tế, văn hóa. Hệ thống giao thông trong các khu vực dân cư cũng được đầu tư xây dựng,nâng cấp nhưng vẫn chưa đồng bộ. Hiện xã có 13,9 km được bê tông hóa; còn lại phần lớn là đường đất.

Nằm trong tiểu vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa của miền Bắc Việt Nam, khí hậu ở Dương Thành có 2 mùa rõ rệt. Mùa hạ từ tháng 4 đến tháng 10 thời tiết oi bức, mưa lớn thường gây ngập úng cục bộ; mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, thời tiết lạnh, hanh khô, thường xuyên có các đợt gió mùa đông bắc. Nhiệt độ trung bình hằng năm dao động từ 23,10 đến 24,40C; cao nhất là tháng 6 (390C), thấp nhất vào tháng 01 (11,70C). Lượng mưa trung bình hằng năm từ 2.000 đến 2.500 mm, cao nhất vào tháng 8, thấp nhất vào tháng 1. Độ ẩm không khí trung bình khoảng 81% - 82%, cao nhất vào các tháng 6, 7, 8, thấp nhất vào tháng 11 và tháng 12.

b) Diện tích

Theo số liệu thống kê năm 2017, tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 748,41ha, trong đó đất nông nghiệp là 614,31ha, đất phi nông nghiệp là 111,16ha, đất chưa sử dụng là 22,94ha. Trên địa bàn xã nhiều nhất là đất có nguồn gốc từ đất feralit màu vàng, hình thành trên đá mẹ sa thạch. Đất có thành phần cơ giới nhẹ, khả năng giữ nước kém, tỷ lệ mùn thấp, ít thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng. Ngoài ra, xã còn có phần lớn diện tích đất cát, thích hợp trồng các loại cây hoa màu như ngô, khoai, sắn...

c) Dân số

Tính đến năm 2017, Dương Thành có 8.059 nhân khẩu (1.888 hộ gia đình) thuộc 6 thành phần dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Mường cư trú tại 20 xóm: Đảng, Núi 1, Núi 2, Núi 3, Núi 4, Nguộn, Tiến Bộ, Quyết Thắng, Phú Dương 1, Phú Dương 2, Phẩm 1, Phẩm 2, Phẩm 3, Phẩm 4, Giàng, An Ninh, An Thành, Trung Thành, Phú Thành, Xuốm. Dân tộc Kinh có số lượng người đông nhất trên địa bàn (hơn 90%). Người Kinh giàu kinh nghiệm sản xuất; tổ chức xã hội rất chặt chẽ, mang đặc trưng tiêu biểu của cơ cấu xã hội Việt Nam cổ truyền. Trải qua thời gian cộng cư, hôn nhân diễn ra giữa người Kinh và các tộc người thiểu số khác như Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu... đã làm nên tính đa dạng trong bản sắc văn hóa của
địa phương.

3. Hiện trạng phát triển kinh tế xã hội

Dương Thành là xã thuần nông nên sản xuất chính là nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ cơ cấu kinh tế ở mức: Nông nghiệp - Tiểu thủ Công nghiệp - Dịch vụ; Trong đó; Nông nghiệp chiếm tỷ lệ 40%; Công nghiệp - Tiểu thủ Công nghiệp chiếm tỷ lệ 35%; Dịch vụ chiếm tỷ lệ 25 %. Cơ cấu cây trồng chủ yếu là lúa nước nhằm đảm bảo lương thực và cung cấp một phần cho thị trường khu vực.

Đảng bộ và nhân dân xã Dương Thành trong các giai đoạn lịch sử cách mạng luôn có tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hăng hái nhiệt tình, luôn có tinh thần cao ủng hộ, đóng góp sức người, sức của để phục vụ cho các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Ngày nay trong sự nghiệp cách mạng mới, đã nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, đạt nhiều thành tựu quan trọng, hoàn thành cơ bản những chỉ tiêu hàng năm đề ra. Nền kinh tế xã đạt được mức tăng trưởng, xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp, văn minh.

Với diện tích tự nhiên là 748,41ha, trong đó đất nông nghiệp là 614,31ha, đất phi nông nghiệp là 111,16ha nhân dân xã Dương Thành sớm chọn nông nghiệp là nghề sản xuất chính. Bên cạnh đó, với vị trí giáp ranh giữa 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang, có đường tỉnh lộ 261C chạy qua trung tâm xã, kinh tế đã bước đầu phát triển, các ngành nghề phụ, dịch vụ trong những năm gần đây đã có bước phát triển mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm đạt 6,62%, thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm của năm 2017, Đến năm 2020 thu nhập bình quân đạt 41,56 triệu đồng/người/năm mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 48,2 triệu đồng/người/năm.

Hiện nay, xã Dương Thành đang từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế. Trong nông nghiệp, tiếp tục ứng dụng biện pháp kỹ thuật, tăng cường gieo trồng giống cây có năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Công tác kỹ thuật khuyến nông, phát hiện, phòng ngừa và đẩy lùi sâu bệnh được chú trọng. Đồng thời đẩy mạnh và tăng tỷ trọng các loại hình dịch vụ sửa chữa cơ khí, điện tử, xay sát, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ tổng hợp. Cùng với vị trí địa lý, điều kiện kinh tế là cơ sở bước đầu quan trọng cho sự phát triển đi lên của Dương Thành hiện tại và tương lai.

Cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng của xã như điện, đường, trường, trạm tiếp tục được hoàn thiện.

Năm 2018 Dương Thành đạt chuẩn xã Nông thôn mới. Cũng trong năm này Căn cứ Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, quy trình thủ tục công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu và Văn bản số 1766/SNV-XDCQ&CTTN ngày 01/11/2017 của Sở Nội vụ hướng dẫn các địa phương thực hiện quy trình, thủ tục công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu, UBND xã Dương Thành đã triển khai thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị công nhận xã An toàn khu và được Chính phủ công nhận là xã An Toàn Khu II của Trung ương Thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Kinh tế phát triển, văn hóa - giáo dục có những khởi sắc, các chính sách xã hội được chính quyền và các cấp ủy Đảng quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 2,64%. Công tác quốc phòng - an ninh được chú trọng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ngày càng được củng cố và đi vào ổn định. Hoạt động của các tổ chức chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được đẩy mạnh, phát triển đa dạng và phong phú hơn trước. Nhằm thể chế hóa pháp luật của Nhà nước, hạn chế các tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, mừng thọ, cũng như hoạt động kỷ niệm các ngày truyền thống của địa phương, tại các xóm trong địa bàn xã, các quy ước, hương ước làng văn hóa được xây dựng. Từ đó, tăng cường xác lập và xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng làng xã, dân cư.

Điều đó cho thấy, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cũng như sự chỉ đạo sát sao của cấp tỉnh, huyện, cùng sự nỗ lực hết mình của nhân dân địa phương đã đem lại một diện mạo mới, đổi thay nhiều mặt trên quê hương xã Dương Thành. Đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc, niềm tin với Đảng, chính quyền được củng cố là những tiền đề quan trọng để xã Dương Thành tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

information Dịch vụ nổi bật

doctor Chuyên gia


image Hình ảnh cơ sở

map Bản đồ

Cơ sở liên quan