Da Bị Khô Và Bong Tróc Là Bệnh Gì? Làm Sao Khỏi?

Cập nhật: 30/03/2024

Tình trạng da khô và bong tróc có thể là do tác động ngoại sinh cùng với việc sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh. Tuy nhiên, đây đa phần là dấu hiệu cảnh báo các bệnh về da hay những vấn đề sức khỏe liên quan khác. Nắm được nguyên nhân là cách tốt nhất để giúp bạn khắc phục triệu chứng và bảo vệ làn da của mình.

Da bị khô và bong tróc là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?

Hiện tượng da bị khô và bong tróc thường kích hoạt vào mùa đông khi thời tiết hanh khô khiến cho làn da bị mất nước, thiếu độ ẩm cần thiết. Ngoài ra cũng có thể kích hoạt khi bạn thường xuyên tắm bằng nước quá nóng làm suy yếu hàng rào bảo vệ da.

Tuy nhiên, đa phần các trường hợp da bị khô và bong tróc là do tác động của các bệnh lý da liễu. Nhiều trường hợp còn liên quan đến một số vấn đề sức khỏe khác tiềm ẩn trong cơ thể. Lúc này, tổn thương ngoài da thường đi kèm với tình trạng ngứa ngáy rất khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.

Tình trạng da bị khô và bong tróc được cho là có liên quan trực tiếp đến các bệnh lý sau đây:

1. Bệnh á sừng gây khô và bong tróc da

Á sừng là tình trạng lớp sừng trên da chuyển hóa dở dang, tế bào lúc này vẫn còn nhân và chưa chuyển hóa hết thành sừng. Đây là bệnh lý da liễu khá phổ biến có thể kích hoạt ở nhiều vị trí da khác nhau, nhưng rõ rệt nhất vẫn là ở các vùng da như đầu các ngón tay, chân hay gót chân.

Những vùng da bị bệnh thường sẽ bị khô, nứt nẻ, bong tróc thành từng lớp, có thể bong hết lớp này đến lớp khác. Bên cạnh đó, vùng da quá căng có thể sẽ bị chảy máu hay rướm máu theo những vết nứt ở dưới da.

Ngoài những tổn thương trên da thì bệnh á sừng còn làm phát sinh những cơn ngứa ngáy hay đau rát rất khó chịu. Trường hợp không can thiệp sớm sẽ khiến cho chức năng tự bảo vệ của da suy giảm và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bội nhiễm gây hoại tử da.

da-bi-kho-va-bong-troc-2
Bệnh á sừng thường khiến bề mặt da bị tổn thương, khô và bong tróc

2. Bệnh chàm khiến da bị khô và bong tróc

Chàm (Eczema) là một bệnh về da mãn tính có thể được kích hoạt ở nhiều thể khác nhau. Trong đó tình trạng da bị khô và bong tróc đi kèm với ngứa ngáy khó chịu liên quan trực tiếp đến bệnh chàm khô.

Bệnh thường kích hoạt khi lớp biểu bì da gặp tổn thương dẫn đến hiện tượng mất nước, khô da và tăng sinh tế bào sừng. Vùng da ở đầu các ngón tay, ngón chân hay da mặt là những vị trí chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ bệnh.

Triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh chàm khô là sự kích hoạt tình trạng da bị khô ráp kèm theo bong nhiều vảy. Tổn thương da đi kèm triệu chứng ngứa ngáy khó chịu khiến cho người bệnh luôn muốn dùng tay để gãi. Tuy nhiên việc gãi hoặc chà xát lên da sẽ khiến tổn thương nghiêm trọng hơn và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

3. Viêm da tiếp xúc khiến da bị khô và bong tróc

Bệnh lý về da này đặc trưng bởi tình trạng da bị tổn thương do tiếp xúc với các yếu tố dị ứng hoặc kích ứng. Viêm da tiếp xúc có thể thuyên giảm nhanh, ít tái phát nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, ở nhiều trường hợp, bệnh kéo dài dai dẳng kèm theo tình trạng ngứa dữ dội, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sinh hoạt.

Cần chú ý đến một số triệu chứng viêm da tiếp xúc sau đây:

  • Bề mặt da xuất hiện các đám đỏ và có dấu hiệu phồng rộp
  • Sau đó có thể xuất hiện các mụn nước nhỏ hoặc bọng nước, nhiều trường hợp còn bị mụn mủ
  • Mụn nước thường vỡ sau khoảng 3- 5 ngày, sau đó da khô lại, có vảy tiết
  • Tổn thương da thường nóng rát, ngứa ngáy và nếu kéo dài sẽ có xu hướng dày sừng, bong tróc, lichen hóa

Bệnh lý này không có khả năng lây nhiễm nhưng với trường hợp tổn thương bị bội nhiễm thì vi khuẩn, vi nấm có thể tấn công các vùng da khác và tiếp tục gây nhiễm trùng. Viêm da tiếp xúc bội nhiễm hay viêm da thần kinh là 2 biến chứng thường gặp nhất có thể phát sinh khi bệnh không được kiểm soát tốt.

4. Da bị khô và bong tróc do bệnh vẩy nến

Tình trạng da khô và bong tróc nhiều vảy cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sự hiện diện của bệnh vẩy nến. Đây là bệnh lý về da hình thành do hệ miễn dịch bị rối loạn kích thích sản sinh tế bào da quá mức.

Có thể nhận biết thông qua các triệu chứng như:

  • Trên bề mặt da xuất hiện những mảng đỏ với các kích thước to nhỏ khác nhau
  • Vùng da bị tổn thương sẽ có xu hướng nổi gồ cao lên, cồm cứng, đôi khi có dấu hiệu viêm nhiễm
  • Da thường bị khô ráp, trên bề mặt xuất hiện lớp vảy trắng rất dễ bị bong tróc
  • Người bệnh có thể bị ngứa nhẹ hoặc đôi khi bệnh không kích hoạt cơn ngứa

Bệnh vẩy nến mặc dù không nguy hiểm nhưng lại gây ra nhiều phiền toái, nhất là có nguy cơ tái phát rất cao. Nếu không kiểm soát tốt còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, rối loạn chuyển hóa, bệnh về thận, béo phì…

5. Các vấn đề sức khỏe khác

Bên cạnh các bệnh về da thì tình trạng da bị khô và bong tróc cũng có thể do ảnh hưởng từ một số vấn đề sức khỏe khác. Phải kể đến như:

  • Chịu ảnh hưởng từ tuyến giáp: Các chuyên gia cho biết, tuyến giáp hoạt động kém thường ảnh hưởng và gây rối loạn hormone trong cơ thể. từ đó làm kích hoạt các vấn đề về da, khiến da khô và dễ bong tróc hơn.
  • Các bệnh về trao đổi chất: Thường gặp nhất là bệnh về thận hay tiểu đường cũng có thể gây triệu chứng qua da, khiến da bị ngứa ngáy, khô và bong tróc.
  • Căng thẳng quá độ: Đây cũng chính là một tác nhân gây kích thích nội tiết tố, giải phóng các hormone và chất gây viêm. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng da khô, bong tróc và làm nặng thêm các bệnh lý kích hoạt trên da.
  • Thiếu hụt dinh dưỡng: Thiếu chất béo và các vitamin cũng chính là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe làn da, khiến da khô và dễ bong tróc hơn bình thường.

Cách xử lý khi da bị khô và bong tróc

Da bị khô và bong tróc là tình trạng thường gặp và không quá khó để khắc phục. Tuy nhiên, nếu nó liên quan đến các vấn đề bệnh lý thì việc thăm khám để được hướng dẫn điều trị y tế được cho là cần thiết.

Khi da khô và bong tróc, bạn cần chú ý đến vấn đề sau đây:

1. Dưỡng ẩm cho da

Thường xuyên dưỡng ẩm cho làn da được cho là biện pháp tối ưu trong quá trình điều trị tình trạng khô và bong tróc da. Nên lựa chọn các sản phẩm dưỡng ẩm lành tính có nguồn gốc tự nhiên để đảm bảo an toàn, tránh khiến da bị kích ứng làm tổn thương da nghiêm trọng thêm.

Có thể tham khảo với bác sĩ để được tư vấn về các sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp với làn da của bạn. Thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm sẽ giúp cân bằng độ ẩm trên da, tránh mất nước. Từ đó có thể cải thiện tình trạng da bị khô ráp, đồng thời ngăn ngừa bong tróc da.

Nên thoa kem dưỡng ẩm sau khi tắm và lau khô cơ thể khoảng ba phút. Khi thoa cần chú ý vỗ nhẹ nhàng để tinh chất trong kem có thể thẩm thấu sâu vào bên trong tế bào da nhằm nâng cao tính công hiệu.

da-bi-kho-va-bong-troc-4
Cần sử dụng các sản phẩm lành tính để dưỡng ẩm cho da thường xuyên

2. Áp dụng các mẹo tự nhiên tại nhà

Tình trạng da bị khô và bong tróc có thể được cải thiện nếu bạn áp dụng đúng cách các mẹo tự nhiên tại nhà. Có thể là sử dụng dầu dừa, nha đam hay muối epsom để hỗ trợ khắc phục triệu chứng và tăng cường hàng rào bảo vệ da.

  • Sử dụng nha đam:

Nha đam là nguyên liệu rất quen thuộc với phái đẹp trong vấn đề chăm sóc cũng như làm đẹp da. Thực tế cho thấy, dùng gel nha đam hoàn toàn có thể giúp khắc phục tình trạng da bị khô, dày sừng hay bong tróc.

Các thành phần có trong gel nha đam không chỉ giúp cấp ẩm, làm mềm da mà còn tăng cường hàng rào bảo vệ da. Từ đó có thể ngăn ngừa được sự tấn công của các tác nhân gây hại khiến làn da bị tổn thương.

Bạn chỉ cần dùng 1 lá nha đam tươi đem rửa sạch, gọt vỏ rồi dùng muỗng cạo lấy phần gel. Trực tiếp thoa gel nha đam lên vùng da đang bị khô và bong tróc rồi nhẹ nhàng massage vài phút. Để yên trong 15 – 20 phút rồi dùng nước mát rửa lại cho sạch.

  • Sử dụng dầu dừa:

Cũng giống như nha đam, dầu dừa là nguyên liệu có tác dụng làm mềm da, đồng thời cung cấp độ ẩm cho da. Bôi dầu dừa sẽ giúp da tránh được tình trạng mất nước, khô ráp và bong tróc.

Tinh chất trong dầu dừa còn giúp hỗ trợ thúc đẩy quá trình sản sinh các tế bào da mới một cách hợp lý. Từ đó khiến cho các tổn thương trên bề mặt da nhanh chóng được chứa lành.

Chỉ cần lấy 1 lượng dầu dừa nguyên chất thoa lên da sau khi đã vệ sinh da sạch sẽ. Chú ý chỉ thoa 1 lớp mỏng nhẹ và dùng nước mát để rửa lại khoảng 30 phút sau đó.

  • Dùng muối Epsom:

Đây là mẹo tại nhà có thể đáp ứng tốt với trường hợp khô da, bong tróc kích hoạt cùng tình trạng ngứa ngáy, khó chịu. Muối Epsom sẽ có tác dụng làm giảm sưng, dịu cơn ngứa, đồng thời làm sạch da, loại bỏ các mảng da bong tróc. Bên cạnh đó còn giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng bùng phát trên vùng da đang bị tổn thương.

Chỉ cần sử dụng 1 thìa muối Epsom cùng với khoảng 2 thìa mật ong rồi thoa trực tiếp lên vùng da bị khô ráp, bong tróc. Sau đó dùng tay massage nhẹ nhàng vài ba phút và rửa lại với nước sạch.

Ngoài ra, để ngăn ngừa tình trạng khô và bong tróc da thì bạn cũng cần chú ý thêm đến các biện pháp chăm sóc tại nhà khác. Ví dụ như không tắm gội bằng nước quá nóng, tránh gãi hay chà xát lên da, dùng máy tạo độ ẩm khi thời tiết hanh khô… Đồng thời uống đủ nước và bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường độ ẩm tự nhiên cho làn da.

3. Thăm khám và điều trị y tế

Nếu trường hợp tình trạng khô và bong tróc da là do vấn đề bệnh lý thì việc chăm sóc tại nhà sẽ chỉ hỗ trợ cải thiện triệu chứng mà không thể kiểm soát hoàn toàn vấn đề. Lúc này, bạn nên chủ động thăm khám để bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị đúng đắn.

Bác sĩ sẽ căn cứ vào từng bệnh lý, mức độ bệnh cũng như thể trạng sức khỏe của bạn để đưa ra phác đồ điều trị tương thức. Vấn đề của bạn là cần nghiêm túc thực hiện tốt phác đồ mà bác sĩ chỉ định. Trong quá trình điều trị nếu triệu chứng không được đáp ứng hay có dấu hiệu bất thường phát sinh thì hãy báo ngay có bác sĩ để có sự điều chỉnh kịp thời.

Đừng chủ quan với tình trạng da bị khô và bong tróc bởi đôi khi nó liên quan trực tiếp đến các vấn đề bệnh lý cần quan tâm kịp thời và đúng cách. Nếu tổn thương trên da không được cải thiện khi đã chăm sóc và điều trị tại nhà thì tốt nhất bạn nên tìm gặp bác sĩ ngay.

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

EMC Đã kết nối EMC