Bệnh á sừng da đầu là tình trạng da đầu khô ráp, bong tróc, tăng sinh tế bào sừng, nứt nẻ và ngứa ngáy. Bệnh lý này ít ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tác động không nhỏ đến tâm lý, ngoại hình và gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Điều trị bệnh chủ yếu là làm giảm tổn thương lâm sàng và ngăn ngừa biến chứng bằng cách sử dụng thuốc và chăm sóc khoa học.

Bệnh á sừng da đầu là gì?

Á sừng là thuật ngữ đề cập đến tình trạng da khô, dày sừng, bong tróc và nứt nẻ. Tình trạng thường xảy ra ở vùng da tay, da chân và các vùng da hở. Tuy nhiên á sừng cũng có thể xảy ra ở vùng da đầu – được gọi là bệnh á sừng da đầu.

Á sừng nói chung và á sừng da đầu nói riêng là bệnh da liễu mãn tính, dai dẳng và dễ tái phát. Bệnh bùng phát mạnh vào mùa thu đông và thuyên giảm vào mùa xuân hè. Bệnh lý này chủ yếu gây triệu chứng ngoài da, ít tác động và gây nguy hại đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên các triệu chứng của bệnh có thể ảnh hưởng đến ngoại hình, tâm lý, gây phiền toái và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Hiện tại, căn nguyên của bệnh chưa được làm rõ nên quá trình điều trị còn gặp nhiều bất lợi. Vì vậy để kiểm soát triệu chứng của bệnh, cần tích cực điều trị, chăm sóc và chủ động phòng ngừa tái phát.

Phân biệt á sừng da đầu với vảy nến da đầu

Á sừng da đầu dễ bị nhầm lẫn với vảy nến da đầu – một bệnh da liễu mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng da đỏ và bong nhiều vảy trắng. Khi phân tích mô bệnh học, các nhà khoa học nhận thấy làn da của người bị vảy nến có dấu hiệu á sừng và dày sừng. Tuy nhiên bệnh xảy nến xảy ra do rối loạn quá trình chu chuyển tế bào thượng bì. Trong khi đó, á sừng da đầu là hệ quả do dị nguyên xâm nhập và gây tổn thương da.

Để phân biệt 2 bệnh lý này, bạn có thể dựa vào những dấu hiệu sau:

  • Á sừng gây ra mảng bong lớn, nứt nẻ, khô ráp, đau và ngứa
  • Vẩy nến chỉ gây đỏ da và bong vảy (vảy bong nhỏ, mỏng, dễ cạo và có màu trắng bạc). Bệnh lý này không gây đau và rất ít khi ngứa.
  • Triệu chứng của á sừng nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc với dị nguyên và thời tiết khô hanh. Trong khi đó, triệu chứng của bệnh vảy nến tiến triển mạnh khi căng thẳng thần kinh hoặc có tác động cơ học.

Dấu hiệu nhận biết á sừng da đầu

Á sừng là một dạng biểu hiện của da có tính chất đặc trưng. Vì vậy bạn có thể nhận biết bệnh lý này thông qua các biểu hiện sau:

benh-a-sung-da-dau-1
Á sừng da đầu đặc trưng bởi tình trạng da đầu khô, đỏ, có nhiều mảng trắng, nứt nẻ và ngứa ngáy

  • Da đầu khô, đỏ và xuất hiện các mảng trắng dày
  • Mảng da có xu hướng nứt nẻ, khô ráp và bong tróc
  • Tổn thương da đi kèm với triệu chứng ngứa ngáy và đau rát
  • Ở một số trường hợp, nền da tổn thương có thể khô, nứt nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng rướm máu và đau rát
  • Da bong vảy liên tục và tiến triển trong thời gian dài

Nguyên nhân gây bệnh á sừng da đầu

Hiện nay thuật ngữ á sừng không được dùng trong chẩn đoán y khoa. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng da khô, bong tróc, nứt nẻ và dày sừng. Do đó có nhiều giả thuyết cho rằng, á sừng là một biểu hiện của bệnh viêm da cơ địa và khởi phát do một số yếu tố sau:

  • Yếu tố di truyền: Á sừng và các bệnh da liễu mãn tính đều có tính chất di truyền cao. Vì vậy bệnh thường gặp ở những người có người thân cận huyết mắc bệnh vảy nến, viêm da cơ địa, viêm da tiết bã nhờn,…
  • Cơ địa dị ứng: Người có cơ địa dị ứng dễ mắc các bệnh da liễu và một số bệnh hô hấp có liên quan đến hoạt động quá mẫn của hệ miễn dịch như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, sốt cỏ khô,…
  • Yếu tố thời tiết: Thống kê cho thấy, tình trạng á sừng da đầu có xu hướng tiến triển và bùng phát mạnh vào khi thời tiết khô và lạnh. Yếu tố này có thể khiến da mất độ ẩm tự nhiên, suy giảm khả năng đề kháng, tạo điều kiện cho dị nguyên xâm nhập và gây tổn thương da.
  • Tiếp xúc với hóa chất: Sử dụng dầu gội, kem xả, keo xịt tóc,… lên da đầu có thể khiến da tổn thương, kích thích cơ chế miễn dịch dị ứng và gây ra hiện tượng á sừng da đầu.
  • Các yếu tố khác: Ngoài ra, á sừng da đầu còn có thể khởi phát do một số yếu tố như thiếu hụt chất dinh dưỡng, vệ sinh kém, nguồn nước bị nhiễm bẩn, môi trường ô nhiễm, nhiễm nấm men,…

Bệnh á sừng da đầu có nguy hiểm không?

Như đã đề cập, á sừng da đầu chỉ gây triệu chứng ngoài da và không tác động nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên do tính chất dai dẳng, hay tái phát và khó điều trị, bệnh lý này gây không ít phiền toái trong cuộc sống, ảnh hưởng đến tâm lý và ngoại hình của người bệnh.

Ở một số trường hợp, á sừng da đầu có thể gây ra một số ảnh hưởng và biến chứng nặng nề như:

  • Rụng tóc: Hiện tượng á sừng ở da đầu có thể tác động gián tiếp đến nang tóc khiến tóc khô xơ, suy yếu và dễ gãy rụng. Tình trạng này có thể khiến chân tóc bị thoái hóa và tăng nguy cơ mất tóc vĩnh viễn.
  • Viêm da bội nhiễm: Bệnh á sừng có thể khiến da khô, nứt nẻ mạnh, rướm máu và hình thành các vết thương hở. Do đó vi khuẩn, nấm và virus dễ dàng xâm nhập vào da và gây ra hiện tượng bội nhiễm. Bội nhiễm không chỉ khiến da sưng viêm, đau nhức mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và gây ra các biến chứng nặng nề nếu không được kiểm soát kịp thời.
  • Ảnh hưởng đến ngoại hình: Các mảng da bong tróc do á sừng có thể ảnh hưởng đến chức năng thẩm mỹ của tóc, tác động xấu đến ngoại hình và tâm lý của người bệnh. Hơn nữa, tình trạng này còn có xu hướng tái phát nhiều lần, gây tâm lý khó chịu và bứt rứt.

Biện pháp chăm sóc và ngăn ngừa tiến triển bệnh

Bên cạnh các biện pháp điều trị, nên xây dựng chế độ chăm sóc đúng cách nhằm hỗ trợ làm giảm triệu chứng, hạn chế bệnh khởi phát và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng nề hơn.

chua-benh-a-sung-bang-thuoc-dan-gian-6
Người bị bệnh á sừng da đầu nên xây dựng chế độ ăn và lối sống lành mạnh

Các biện pháp chăm sóc đối với bệnh á sừng da đầu, bao gồm:

  • Tránh để da đầu tiếp xúc với các hóa chất có độ kích ứng cao trong dầu gội, kem xả, nước hoa, keo xịt tóc,… Nhằm làm giảm nguy cơ bệnh bùng phát mạnh, nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về các sản phẩm nhẹ dịu và lành tính.
  • Tuyệt đối không chà xát, gãi cào và cạo vảy bong. Tác động này có thể khiến da trầy xước, tổn thương, tăng nguy cơ nhiễm nấm và vi khuẩn.
  • Để hạn chế á sừng tái phát, bạn có thể sử dụng các dung dịch giữ ẩm cho da đầu nhằm hạn chế da mất nước, khô và tăng sinh tế bào sừng.
  • Hạn chế dùng các thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu phộng, nhộng, tôm, cua, mực,… Thay vào đó nên uống nhiều nước, tăng cường ăn rau xanh và trái cây.
  • Sử dụng máy lọc không khí, vệ sinh không gian sống thường xuyên và trồng nhiều cây xanh nhằm loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc và các yếu tố dị ứng.
  • Giữ vệ sinh da đầu và hạn chế uốn, nhuộm, tạo kiểu,…

Cách chữa bệnh á sừng da đầu phổ biến

Á sừng da đầu là bệnh lành tính, tiến triển dai dẳng và dễ tái phát. Các biện pháp điều trị được áp dụng chỉ có tác dụng cải thiện thương tổn lâm sàng, ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Một số biện pháp điều trị á sừng da đầu thường được chỉ định, bao gồm:

1. Sử dụng thuốc/ dầu gội

Để làm giảm các triệu chứng trên da đầu, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc và dầu gội sau:

  • Dầu gội kháng nấm: Hầu hết các trường hợp bị á sừng da đầu đều có hiện tượng nhiễm nấm men – chủ yếu là nấm Malassezia. Vì vậy bác sĩ thường chỉ định các loại dầu gội kháng nấm (Ketoconazole, Selenium sulfide,…) để ức chế vi nấm, giảm ngứa ngáy và cải thiện tổn thương ở da đầu).
  • Thuốc bạt sừng: Á sừng da đầu đặc trưng bởi tình trạng da dày sừng, bong tróc và nứt nẻ. Để làm giảm hiện tượng bong vảy và tăng sinh tế bào sừng, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc bạt sừng như axit salicylic. Ngoài tác dụng loại bỏ vảy bong, axit salicylic còn hỗ trợ kiểm soát dầu thừa, sát trùng và ngăn chặn nấm men phát triển quá mức.
  • Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 được sử dụng khi á sừng da đầu gây ngứa nhiều và có xu hướng lan tỏa rộng. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế histamine – thành phần trung gian trong phản ứng dị ứng, từ đó làm giảm triệu chứng thực thể và cơ năng của bệnh.
  • Thuốc kháng sinh: Kháng sinh là thuốc đặc hiệu đối với các trường hợp viêm da bội nhiễm. Thuốc được sử dụng chủ yếu ở dạng uống liên tục trong 7 – 10 ngày.
  • Thuốc bôi corticoid: Trong trường hợp da đầu viêm nhiều, bác sĩ có thể chỉ định thuốc bôi corticoid. Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế miễn dịch tại vùng da được sử dụng, từ đó làm ngăn chặn hiện tượng dị ứng, giảm viêm và đau nhức.

Các loại thuốc điều trị bệnh á sừng da đầu đều có đáp ứng tương đối tốt. Tuy nhiên các loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ nếu lạm dụng trong thời gian dài. Vì vậy bạn chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

2. Tận dụng nguyên liệu tự nhiên

Khi triệu chứng của bệnh á sừng da đầu thuyên giảm, bạn có thể điều trị duy trì bằng các nguyên liệu tự nhiên. Tận dụng dược tính của thảo dược giúp làm giảm hiện tượng đỏ da, ngứa ngáy, hỗ trợ làm sạch vảy bong và nuôi dưỡng da đầu.

Mẹo hỗ trợ điều trị á sừng da đầu bằng nguyên liệu tự nhiên, bao gồm:

  • Gội đầu bằng lá trầu không: Lá trầu có đặc tính tiêu viêm, kháng khuẩn và kháng nấm mạnh. Vì vậy bạn có thể đun lá trầu với nước và dùng gội đầu 2 – 3 lần/ tuần nhằm kiểm soát vi nấm, giảm ngứa da và ngăn ngừa bệnh á sừng bùng phát mạnh.
  • Sử dụng mật ong: Nếu da đầu bị khô và nứt nẻ nhiều, có thể sử dụng mật ong để cải thiện. Mật ong có tác dụng dưỡng ẩm sâu, làm mềm, ức chế vi khuẩn, nấm và thúc đẩy tốc độ hồi phục da. Để làm giảm triệu chứng á sừng da đầu, nên làm ướt da đầu, sau đó thoa mật ong lên, ủ trong 5 – 10 phút, rửa lại với nước sạch và gội đầu như bình thường.
  • Gội đầu bằng bồ kết: Bồ kết chứa nhiều thành phần tốt cho tóc, giúp duy trì mái tóc đen, óng mượt và chắc khỏe. Nếu gặp phải tình trạng rụng tóc, tóc khô xơ và suy yếu do á sừng da đầu, bạn có thể tận dụng bồ kết để cải thiện tình trạng nói trên.

Ngoài tác dụng đối với mái tóc và da đầu, các mẹo chữa thiên nhiên còn giúp hạn chế tần suất sử dụng thuốc, từ đó giảm nguy cơ lạm dụng và hạn chế các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Á sừng da đầu là bệnh da liễu lành tính nhưng có tiến triển dai dẳng, khó điều trị và dễ tái phát. Hầu hết, các loại thuốc được sử dụng đều chỉ có tác dụng cải thiện tổn thương lâm sàng, không đem lại hiệu quả bền vững và dễ gây ra tình trạng phụ thuộc. Vì vậy ngoài việc dùng thuốc, bạn nên áp dụng các biện pháp tự nhiên kết hợp với chế độ chăm sóc khoa học nhằm kiểm soát triệu chứng và giảm nguy cơ bệnh tái phát.

Câu hỏi thường gặp

Bệnh á sừng, dù gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, với phương pháp điều trị phù hợp và kiên trì, người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa tái phát, và tận hưởng cuộc sống thoải mái hơn.

  • Điều trị sớm là chìa khóa: Can thiệp sớm giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
  • Tùy chỉnh phác đồ điều trị: Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ phù hợp, bao gồm thuốc bôi, thuốc uống, và thay đổi lối sống.
  • Kiên trì và tuân thủ: Điều trị á sừng đòi hỏi sự kiên nhẫn và tuân thủ phác đồ của bác sĩ.
  • Chăm sóc da đúng cách: Dưỡng ẩm thường xuyên và tránh các tác nhân kích ứng giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa tái phát.

Câu trả lời là CÓ.

  • Yếu tố di truyền: đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định nguy cơ mắc bệnh á sừng. Nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh, khả năng bạn cũng bị á sừng sẽ cao hơn.
  • Tuy nhiên, di truyền không phải là yếu tố duy nhất: Các yếu tố môi trường và lối sống cũng góp phần gây bệnh.

Hiểu rõ về tính di truyền của bệnh á sừng giúp bạn:

  • Chủ động phòng ngừa: Nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh, bạn cần chăm sóc da cẩn thận hơn và tránh các tác nhân kích ứng.
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ y tế sớm: Khi có dấu hiệu nghi ngờ, hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Triệu chứng
Điều trị phòng ngừa

Danh sách Bác sĩ - Chuyên gia

Xem tất cả

Danh sách Cơ sở y tế

Xem tất cả