Ho khan về đêm là tình trạng phổ biến ở cả trẻ em và người trưởng thành. Đây là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nhưng cũng có thể xảy ra do thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học. 

Ho khan về đêm – Nguyên nhân do đâu?

Ho khan là tình trạng ho không kèm đờm và dịch nhầy đi kèm. Đây là phản ứng của cơ quan hô hấp nhằm tống khứ dị nguyên ra bên ngoài. Ho khan là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nhưng đôi khi cũng có thể là phản ứng sinh lý của cơ thể do cơ quan hô hấp bị dị ứng và kích ứng.

Triệu chứng ho nói chung và ho khan nói riêng thường bùng phát mạnh vào ban đêm. Bởi đây là thời điểm phổi đào thải độc tố và tái tạo sau một ngày dài làm việc. Ngoài ra, nhiệt độ giảm thấp và độ ẩm tăng cao vào ban đêm cũng là yếu tố kích thích phản ứng ho bùng phát đột ngột và dữ dội.

Ho khan về đêm
Ho khan về đêm là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe

Ho khan về đêm ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ và gián tiếp tác động đến sức khỏe nếu xảy ra trong thời gian dài. Để có hướng khắc phục phù hợp, cần xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Các nguyên nhân có thể gây ho khan về đêm:

1. Do ảnh hưởng của một số bệnh lý

Như đã đề cập, ho khan là triệu chứng thường gặp của nhiều bệnh lý. Đa phần bệnh lý gây ra triệu chứng này đều là các vấn đề hô hấp nhưng trong một số trường hợp, ho khan cũng có thể là biểu hiện của một số vấn đề tiềm ẩn.

ho khan về đêm nguyên nhân
Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ho khan về đêm do dịch vị trào ngược lên khoang miệng

Các bệnh lý có thể gây ho khan về đêm:

  • Cảm lạnh, cảm cúm: Cảm lạnh, cảm cúm là các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên thường gặp. Biểu hiện chính của hai bệnh lý này là nghẹt mũi, ngứa họng và ho khan hoặc ho có đờm. Tình trạng ho khan do cảm lạnh, cảm cúm thường bùng phát mạnh vào ban đêm do nhiệt độ và độ ẩm giảm thấp đột ngột.
  • Viêm mũi dị ứng: Viêm mũi dị ứng là tình trạng niêm mạc mũi bị viêm do tiếp xúc với các dị nguyên có trong không khí như phấn hoa, mạt bụi, lông chó mèo, bào tử nấm mốc,… Bệnh có thể xảy ra quanh năm hoặc bùng phát theo mùa. Viêm mũi dị ứng điển hình bởi triệu chứng sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, ngứa mắt và ho khan nhiều – đặc biệt là vào ban đêm.
  • Bệnh hen suyễn (hen phế quản): Hen phế quản là bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ, xảy ra khi ống phế quản bị phù nề, chít hẹp do xúc động quá mức hoặc do tiếp xúc với các chất dị ứng, kích ứng. Vào ban đêm, các chất dị ứng trong không khí và nhiệt độ lạnh có thể kích thích ống phế quản dẫn đến phản ứng ho khan, thở khò khè. Trường hợp nặng còn có thể gây khó thở và đau tức vùng ngực.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD): COPD là tình trạng ống thở bị viêm, sưng mãn tính gây cản trở quá trình hô hấp. Bệnh lý này thường gặp ở người có thói quen hút thuốc lá, sinh sống trong môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi, hóa chất,… COPD điển hình bởi triệu chứng thở khò khè và mệt mỏi. Vào ban đêm, nhiệt độ lạnh có thể kích thích phản ứng co thắt của ống thở dẫn đến phản ứng ho khan dai dẳng và kéo dài.
  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Ho khan về đêm không chỉ là dấu hiệu của các bệnh hô hấp mà còn có thể là biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản. Khi nằm, dịch vị và thức ăn dễ dàng trào ngược lên thanh quản, thực quản và khoang miệng. Hiện tượng này kích thích phản ứng ho để đào thải dịch vị ra bên ngoài. Ngoài ho khan, GERD còn gây ợ chua, ợ nóng, đau rát vùng thượng vị,…

2. Các nguyên nhân thông thường

Ngoài ra, tình trạng ho khan về đêm còn có thể xảy ra do các nguyên nhân khác như:

ho khan về đêm là bệnh gì
Không khí khô lạnh, phòng ngủ có nhiều bụi bẩn,... cũng có thể gây ho khan vào ban đêm

  • Kích ứng, dị ứng với dị nguyên trong không khí: Phòng ngủ không được vệ sinh thường xuyên, có nhiều bụi bẩn, hóa chất, phấn hoa, lông chó mèo,… sẽ kích thích ống thở dẫn đến phản ứng ho khan vào ban đêm. Tình trạng này gặp nhiều ở trẻ nhỏ do cơ thể của trẻ khá nhạy cảm và dễ bị kích ứng hơn so với người trưởng thành.
  • Không khí lạnh: Về đêm, không khí thường trở lạnh đột ngột. Nhiệt độ giảm thấp cũng là yếu tố kích thích phản ứng co thắt của phế quản và thanh quản dẫn đến triệu chứng ho khan. Đây cũng là lý do vì sao tình trạng ho thường xảy ra nhiều vào mùa lạnh và ít gặp hơn vào mùa nóng.
  • Do thói quen thở bằng miệng: Thở bằng miệng là thói quen xấu có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Miệng không có chức năng lọc bụi bẩn và dị nguyên trong không khí như khoang mũi. Do đó, các chất dị ứng trong không khí sẽ đi vào thanh quản, phế quản sau đó kích thích phản ứng co thắt dẫn đến ho khan.

Ho khan về đêm là biểu hiện thường gặp, có thể xảy ra ở trẻ nhỏ và cả người lớn. Nếu không có biện pháp xử lý sớm, tình trạng này có thể kéo dài dai dẳng gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tổng thể.

Ho khan về đêm có nguy hiểm không?

Về cơ bản, triệu chứng ho nói chung và ho khan nói riêng đều là phản ứng sinh lý của cơ thể nhằm tống khứ dịch đờm và các chất dị ứng, kích ứng ra bên ngoài. Nếu tình trạng này nhanh chóng thuyên giảm, bạn không nên quá lo lắng. Tuy nhiên trong trường hợp ho khan kéo dài, nên xem xét, xác định nguyên nhân và can thiệp các phương pháp điều trị phù hợp.

Ho khan về đêm không được điều trị có thể tăng dần về mức độ và tần suất dẫn đến mất ngủ, khó ngủ và ngủ chập chờn. Chất lượng giấc ngủ suy giảm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Với trẻ nhỏ, ngủ kém khiến trẻ mệt mỏi, giảm khả năng tiếp thu và chậm phát triển. Trong khi đó, người lớn bị thiếu ngủ thường giảm hiệu suất lao động, làm việc, dễ bị suy nhược, stress, cao huyết áp, đau nửa đầu,…

ho khan về đêm là bệnh gì
Ho khan về đêm kéo dài có thể gây mệt mỏi, thiếu ngủ, giảm hiệu suất lao động,...

Ho khan không phải là bệnh lý mà chỉ là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khỏe. Tình trạng này kéo dài cho thấy các bệnh lý tiềm ẩn vẫn tiếp tục tiến triển. Nếu không có hướng khắc phục đúng cách và kịp thời, các bệnh lý này sẽ tiến triển dai dẳng dẫn đến nhiều biến chứng và hệ lụy nặng nề.

Phòng ngừa ho khan về đêm tái phát

Ho khan về đêm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy sau khi điều trị, cần chủ động phòng ngừa bệnh tái phát bằng cách thực hiện một số biện pháp đơn giản sau:

triệu chứng ho khan về đêm
Vệ sinh phòng ngủ thường xuyên có thể phòng ngừa triệu chứng ho khan về đêm tái phát

  • Đảm bảo phòng ngủ sạch sẽ, không gian thoáng đãng và trong lành.
  • Thay đổi các thói quen xấu như ăn tối quá muộn, ăn quá no, sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, mặc quần áo quá chật khi ngủ,...
  • Khám và điều trị dứt điểm các bệnh lý gây ra tình trạng ho khan. Với những bệnh mãn tính không thể chữa trị hoàn toàn, cần kết hợp điều trị và chăm sóc đúng cách để kiểm soát triệu chứng và tiến triển của bệnh.
  • Ho khan về đêm thường tái phát ở những người có hệ miễn dịch kém. Do đó để phòng ngừa tình trạng tái phát, cần giữ vệ sinh răng miệng, ăn uống và sinh hoạt hợp lý nhằm nâng cao thể trạng và chức năng đề kháng.
  • Vào mùa phấn hoa và giai đoạn thời tiết thay đổi, nên đóng kín cửa sổ khi ngủ và sử dụng thiết bị lọc không khí nếu cần thiết.
  • Có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để làm dịu ống phế quản và niêm mạc hô hấp khi thời tiết khô, lạnh. Biện pháp này không chỉ giúp phòng ngừa ho khan về đêm mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh hô hấp thường gặp khác.

Ho khan về đêm – Khi nào cần gặp bác sĩ?

Ho khan về đêm là tình trạng thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Tình trạng này thường không quá nghiêm trọng và có thể thuyên giảm sau khi chăm sóc, điều trị tại nhà. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bạn vẫn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và can thiệp các phương pháp điều trị y tế.

Cần tìm gặp bác sĩ trong những trường hợp sau:

  • Ho khan về đêm kéo dài dai dẳng, không thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà
  • Tình trạng ho tái phát sau khi ngưng sử dụng thuốc
  • Ho khan về đêm nặng dần theo thời gian hoặc đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, đau tức vùng ngực, thở khò khè, mệt mỏi,…
  • Ho khan bùng phát mạnh vào ban đêm và kéo dài dẫn đến giảm chất lượng giấc ngủ, cơ thể mệt mỏi, suy nhược,…

Cách khắc phục ho khan về đêm an toàn

Ho khan về đêm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tổng thể. Để bảo vệ sức khỏe và kiểm soát nhanh triệu chứng này, bạn có thể áp dụng một số biện pháp điều trị sau:

1. Thay đổi thói quen xấu

Ho khan về đêm có thể bùng phát do các thói quen xấu như không vệ sinh phòng ngủ thường xuyên, thở bằng miệng,… Do đó để cải thiện chứng ho khan, bạn nên thay đổi các thói quen này. Ngoài ra, điều chỉnh một số thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học cũng có thể giảm nhẹ tình trạng ho khan do ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe.

Để giảm nhẹ tình trạng ho khan về đêm, cần thay đổi các thói quen xấu như:

  • Thường xuyên vệ sinh phòng ngủ, giặt giũ mền gối và chăn định kỳ 1 – 2 lần/ tháng để làm sạch bụi bẩn, chất kích ứng và dị ứng. Nếu có thể, nên sử dụng máy hút bụi chuyên dụng để làm sạch bụi vải giúp bảo vệ đường hô hấp.
  • Đóng kín cửa sổ khi ngủ để tránh không khí lạnh vào phòng. Ngoài ra, thói quen mở cửa sổ khi ngủ còn tạo điều kiện để các chất dị ứng bay vào bên trong nhà.
  • Nếu có cơ địa nhạy cảm và bị viêm mũi dị ứng quanh năm, nên cân nhắc sử dụng máy lọc không khí để giảm nồng độ chất dị ứng, kích ứng trong không gian sống.
  • Ăn tối quá no và quá muộn có thể làm nghiêm trọng chứng trào ngược dạ dày thực quản. Từ đó kích thích phản ứng ho xảy ra với tần suất và mức độ nghiêm trọng hơn. Vì vậy, nên tập thói quen ăn tối trước 19:00 và chỉ nên ăn vừa đủ no. Ngoài ra, có thể nằm nghiêng bên trái để hạn chế dịch vị và thức ăn trào ngược lên khoang miệng.
  • Không hút thuốc lá và sử dụng rượu bia.
  • Nếu thời gian lạnh, nên mặc quần áo dài tay và giữ ấm cổ để hạn chế tình trạng ho khan vào ban đêm.
  • Thay đổi thói quen thở bằng miệng. Tình trạng này không chỉ gây ho khan về đêm mà còn tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như viêm thanh quản, viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản,…
  • Nên mặc trang phục thoải mái khi ngủ. Thói quen mặc quần áo bó sát có thể làm tăng áp lực vùng bụng và kích thích phản ứng trào ngược.

2. Áp dụng biện pháp tại nhà

Vào thời điểm giao mùa, không khí chuyển lạnh, cơ quan hô hấp trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Do đó trong thời gian này, cả trẻ nhỏ và người lớn đều có thể gặp phải tình trạng ho khan về đêm. Nếu mức độ ho không quá nghiêm trọng, bạn có thể cải thiện bằng một số biện pháp tại nhà như:

hay ho khan về đêm
Uống nước mật ong ấm có thể giảm nhẹ tình trạng ho khan về đêm

  • Dùng nước mật ong ấm: Từ lâu, mật ong đã được sử dụng để cải thiện tình trạng ho khan và ho có đờm. Hoạt chất hydrogen peroxide trong mật ong có hiệu quả kháng khuẩn và giảm viêm. Vì vậy, dùng nước mật ong pha ấm hoặc đơn giản là ăn 1 thìa mật ong nguyên chất có thể làm dịu cơn ho hiệu quả. Nên áp dụng mẹo đơn giản này trước khi đi ngủ để ngăn cơn ho bùng phát vào ban đêm.
  • Ngậm gừng tươi: Tương tự như mật ong, gừng tươi cũng là vị thuốc giảm ho được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền. Nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, gừng có đặc tính kháng histamine, từ đó giảm tình trạng ho và thở khò khè. Để giảm ho khan, bạn có thể ngậm vài lát gừng tươi trước khi đi ngủ hoặc ngậm gừng khi cơn ho bùng phát. Chỉ sau 3 – 5 phút, cảm giác ho khan và ngứa cổ họng sẽ thuyên giảm rõ rệt.
  • Lá hẹ chưng đường phèn: Lá hẹ chưng đường phèn là bài thuốc chữa ho theo kinh nghiệm dân gian. Hiện nay, y học hiện đại cũng đã công nhận hoạt chất odorin, sulfua, saponin trong thảo dược này có hiệu quả kháng khuẩn mạnh. Do đó, dùng lá hẹ chưng đường phèn 2 lần/ ngày có thể cải thiện phần nào tình trạng ho khan vào ban đêm.

Các mẹo chữa ho tại nhà có hiệu quả khá rõ rệt với những trường hợp nhẹ. Nếu ho dai dẳng, dữ dội, bạn nên kết hợp các mẹo chữa này với sử dụng thuốc.

3. Sử dụng thuốc trị ho khan

Ho khan kéo dài có thể gây mệt mỏi, uể oải và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giấc ngủ. Trong trường hợp cần thiết, bạn nên trao đổi với dược sĩ để được tư vấn loại thuốc giảm ho khan hiệu quả, an toàn.

triệu chứng ho khan về đêm
Nếu triệu chứng ho khan về đêm có mức độ nặng, nên sử dụng một số loại thuốc giảm ho

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị ho khan:

  • Thuốc ho thảo dược: Thuốc ho thảo dược thường được ưu tiên sử dụng vì công thức lành tính, an toàn, phù hợp với cả trẻ em và người lớn. Các loại thuốc ho thảo dược thường được bào chế ở dạng viên ngậm hoặc siro với thành phần chủ yếu là vỏ cam, gừng, húng quế, bạc hà, lá thường xuân,…
  • Thuốc kháng histamine: Histamine là chất trung gian trong phản ứng dị ứng. Đây là một trong những yếu tố trực tiếp kích thích phản ứng ho, hắt hơi, sổ mũi,… Trong trường hợp ho xảy ra do dị ứng, bạn có thể dùng một số loại thuốc kháng histamine H1 như Cetirizin, Diphenhydramine, Chlorpheniramine,…
  • Thuốc ức chế cơn ho: Thuốc ức chế cơn ho tác động trực tiếp đến triệu chứng ho khan. Các loại thuốc được dùng phổ biến bao gồm Codein, Dextromethorphan,… Thuốc tác động đến trung tâm ho ở hành tủy nhằm nâng cao ngưỡng kích thích, từ đó giảm phản ứng ho đáng kể. Nhóm thuốc này còn có tác dụng ức chế trung tâm hô hấp và an thần. Thuốc ức chế cơn ho thường được dùng trong điều trị ho khan, ít được dùng trong trường hợp ho có đờm và ho do dị ứng.

Các loại thuốc điều trị ho khan có thể sử dụng mà không cần toa của bác sĩ. Tuy nhiên, bạn nên trao đổi với dược sĩ để được tư vấn cụ thể trước khi sử dụng. Ngoài ra để đảm bảo an toàn, chỉ nên dùng các loại thuốc này trong thời gian ngắn. Đồng thời nên áp dụng song song với các biện pháp tại nhà và thay đổi thói quen xấu để kiểm soát tình trạng ho triệt để.

Ho khan về đêm là tình trạng khá phổ biến, xảy ra nhiều trong giai đoạn chuyển mùa và thời tiết khô lạnh. Nếu triệu chứng không thuyên giảm sau vài ngày chăm sóc và điều trị tại nhà, bạn nên thăm khám để được chẩn đoán và điều trị triệt để. Bởi tình trạng ho kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Triệu chứng
Điều trị phòng ngừa

Danh sách Bác sĩ - Chuyên gia

Xem tất cả

Danh sách Cơ sở y tế

Xem tất cả