Thoái hóa đốt sống lưng L4 L5 là tình trạng các đốt sống lưng ở vị trí đốt L4, L5 bị suy yếu do nhiều yếu tố. Tìm hiểu rõ các nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị giúp người bệnh chủ động phòng tránh và chữa trị trước khi gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

Thoái hóa đốt sống lưng L4 L5 là gì, ở đâu?

Theo cấu tạo giải phẫu của cơ thể, cột sống bao gồm 33 đốt xương, trong đó có: 7 đốt sống cổ C1 - C7, 12 đốt sống ngực T1 - T12, 5 đốt sống lưng L1 - L5 , 5 đốt sống cùng S1 - S5 và 4 đốt sống cụt.

Từ đó có thể thấy, thắt lưng là phần phải chịu nhiều tải trọng cho cơ thể nên đây là vị trí dễ chịu tổn thương, thoái hóa nhất.

Trong đó, L4 L5 là hai đốt sống thắt lưng nằm ở vị trí thấp nhất của cột sống. Cùng với khớp, đĩa đệm, hệ thống dây chằng và mô mềm, chúng có nhiệm vụ chính giúp cơ thể đứng thẳng, giữ thăng bằng và hỗ trợ nâng đỡ cho phần thân phía trên thực hiện các động tác như xoay, cúi gập, vặn mình,… Do vậy mà hai đốt sống này là vị trí dễ bị chấn thương hơn những đốt sống lưng còn lại.

Triệu chứng của thoái hóa đốt sống lưng L4 L5

Người bệnh có thể phát hiện ra các dấu hiệu của thoái hóa đốt sống L4 L5 thông qua một số triệu chứng dưới đây:

  • Đau thắt lưng: Đây là triệu chứng đầu tiên và thường gặp nhất của bệnh. Trong trường hợp l4 lệch về phía trước càng tạo điều kiện cho rễ thần kinh bị chèn ép gây đau nhức 2 bên thắt lưng. Các cơn đau sẽ xuất hiện tại vùng thắt lưng khi đứng hoặc ngồi quá lâu, ngay sau khi thức dậy hoặc khi người bệnh vận động mạnh, thay đổi tư thế.
  • Đau hông và dây thần kinh tọa: Thoái hóa cột sống l4 l5 sẽ gây ra những cơn đau tại vị trí đĩa đệm bị thoát vị và thoái hóa. Hai đốt sống l4 l5 cọ xát vào nhau là nguyên nhân gây ra những cơn đau thần kinh tọa. Cơn đau có thể lan rộng từ thắt lưng xuống mông và đùi, chạy dọc tới bắp chân và cả bàn chân.
  • Một số triệu chứng khác như: Cảm giác tê bì, ngứa ran và châm chích ở chi dưới hay co cứng các khớp đầu gối và ngón chân cũng có thể là dấu hiệu triệu chứng của bệnh.

Nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống lưng L4 L5

Cũng giống như nhiều bệnh lý xương khớp khác, thoái hóa cột sống thắt lưng l4 l5 hoàn toàn có thể khắc phục được nếu người bệnh chủ động phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống l4-l5 thường gặp được chia thành 2 nhóm chính như sau:

Yếu tố bên ngoài

  • Tuổi tác: Tỷ lệ mắc bệnh phổ biến nhất là độ tuổi trung niên và người già. Khi tuổi tác tăng, quá trình lão hoá xương cũng sẽ làm cho chức năng xương khớp kém dần. Đây là nguyên nhân chính giải thích cho hiện tượng này.
  • Tính chất công việc: Những người lao động nặng, mang vác trong thời gian dài sẽ làm đốt sống lưng dễ phải chịu tổn thương, lâu dần gây ra thoái hóa rất khó chữa.
  • Lười vận động: Hiện nay tỷ lệ mắc bệnh ở những đối tượng ít vận động hoặc phải làm công việc ngồi lâu một chỗ như dân văn phòng, thợ may, lái xe,...cũng rất cao. Lý do là vì cột sống không được hoạt động thường xuyên hoặc sai tư thế kéo dài nên dễ dàng bị thoái hóa.
  • Chấn thương: Những chấn thương khó tránh khỏi những tai nạn, chấn thương khi chơi thể thao, tham gia giao thông,… làm xương khớp bị tổn thương, không lành lại hoàn toàn hoặc không điều trị dứt điểm sẽ đẩy nhanh quá trình mắc bệnh.
  • Thừa cân, béo phì: Ở những người thừa cân, béo phì, trọng lượng cơ thể quá tải sẽ khiến cột sống phải chịu nhiều áp lực hơn. Từ đó, đốt sống lưng, nhất là l4 l5 càng dễ bị tổn thương và thoái hóa.
  • Sử dụng chất kích thích thường xuyên: Theo các báo cáo lâm sàng, những đối tượng thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê thì cột sống có nguy cơ thoái hóa cao hơn người bình thường. Nguyên nhân được giải thích là bởi các đốt sống không được cung cấp đủ dưỡng chất thiết yếu do bị cản trở bởi những chất kích thích này.

Tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu của bệnh thoái hoá
Tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu của bệnh thoái hoá

Yếu tố bên trong

  • Hẹp cột sống và các bệnh lý viêm nhiễm: Ở những người tuổi cao, nguy cơ bị hẹp cột sống và các bệnh viêm nhiễm xương khớp sẽ gia tăng và là nguyên nhân dẫn đến thoái hoá đốt sống l4 l5.
  • Thoát vị đĩa đệm l4 l5: Khi đĩa đệm bị thoát vị, bao xơ bị rách và nhân nhầy thoát ra ngoài gây chèn ép rễ thần kinh và gây ra thoái hóa. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra thoái hóa thoái hóa l4 l5 bệnh nhân nên đề phòng.
  • Phình đĩa đệm l4 l5: Đây là tình trạng đĩa đệm bị phồng lồi, sưng tấy gây chèn ép rễ thần kinh. Cũng tương tự như thoát vị đĩa đệm, tình trạng này kéo dài cũng là nguyên nhân dẫn đến thoái hoá.

Một số lưu ý cho người bệnh thoái hoá

Để phòng và điều trị bệnh thoái hóa đốt sống thắt lưng L4 L5 hiệu quả, bạn đọc nên chú ý:

  • Có chế độ vận động, sinh hoạt hợp lý, điều trị dứt điểm các chấn thương để tránh tình trạng đau nhức tái phát hoặc tiến triển sang thoái hóa đốt sống thắt lưng. Nên có thời gian nghỉ ngơi hợp lý để xương khớp được thư giãn.
  • Tránh ngồi học, ngồi làm việc sai tư thế, hạn chế ngồi lâu một chỗ kéo dài.
  • Tránh mang vác vật nặng gây áp lực cho cột sống, nhất là khi bê vật nặng ở tư thế cúi khom lưng cúi đầu.
  • Tránh tối đa các nguy cơ bị chấn thương cho cột sống khi làm việc, tham gia giao thông, thể thao quá mức và kéo dài,...
  • Duy trì chế độ ăn uống khoa học, nên ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe xương khớp như: Rau quả tươi, đồ ăn giàu canxi, vitamin C, omega 3,...
  • Luyện tập thể dục thể thao đều đặn hàng ngày để có một cơ thể dẻo dai và cột sống vững chắc.

Cách chữa thoái hóa đốt sống lưng L4 L5

Thoái hoá là tiến trình tự nhiên cơ thể, ai cũng sẽ bị bệnh, bao gồm cả thoái hoá xương khớp. Vì vậy, mục đích của điều trị thoái hoá nói chung đều là điều trị bảo tồn.

Chỉ khi bệnh tiến triển quá nghiêm trọng, có nguy cơ lớn ảnh hưởng đến khả năng vận động của bệnh nhân và không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn thì phẫu thuật mới được xem xét chỉ định.

Điều trị bằng Tây y

Tuỳ theo mức độ đau của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc Tây y chữa thoái hóa như:

  • Thuốc giảm đau: Thuốc được dùng phổ biến nhất vẫn là Paracetamol.
  • Thuốc chống viêm: Indomethacin, Phenylbutazone, Diclofenac,… được sử dụng cho những trường hợp bệnh nghiêm trọng, có nguyên nhân từ các bệnh viêm nhiễm hoặc phòng tránh viêm nhiễm xảy ra.
  • Thuốc giãn cơ: Tanaldecoltyl, Decontractyl, Ryzonal, Mydocalm,…được sử dụng cho những bệnh nhân có triệu chứng co cứng ở lưng hoặc chân.
  • Tiêm corticosteroids ngoài màng cứng: Giúp giảm đau nhanh chóng cho trường hợp bệnh đã gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tuy nhiên, bệnh nhân không được tự ý mua thuốc uống mà phải sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa do bởi đây đều là các loại thuốc gây ra áp lực lớn cho gan, thận, dạ dày.

Ngoài ra, một số phương pháp vật lý trị liệu hiện đại cũng thường được chỉ định để hỗ trợ quá trình điều trị cho bệnh nhân. Các kỹ thuật thường được sử dụng hiện nay bao gồm: chườm nóng lạnh, sử dụng sóng ngắn, sóng siêu âm, kích thích điện, các bài tập kéo giãn cơ và dùng tia hồng ngoại để điều trị.

Khi các phương pháp được chỉ định không mang lại hiệu quả như mong muốn, bệnh vẫn tiến triển xấu nhanh chóng thì các bác sĩ mới xem xét đến biện pháp phẫu thuật. Đây là phương pháp tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng nên phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Một số thủ thuật ngoại khoa có thể được áp dụng để điều trị thoái hóa đốt sống thắt lưng L4 L5 là:

  • Cắt bỏ gai xương cột sống.
  • Loại bỏ dịch nhầy của khối thoát vị.
  • Thay thế đốt sống hoặc đĩa đệm L4 L5 bằng cấu trúc nhân tạo.
  • Tái cấu trúc cột sống bị tổn thương.

Điều trị bằng Đông y

Nhờ ưu điểm an toàn, lành tính và không gây tác dụng phụ, cách chữa thoái hóa đốt sống lưng l4 l5 bằng Đông y được nhiều người bệnh tin tưởng lựa chọn.

Dưới đây là một số bài thuốc thường được các thầy thuốc sử dụng cho bệnh nhân:

  • Bài thuốc 1: Táo 3 quả, dư dung, xuyên xích thược mỗi vị 12g; quế chi, phấn cát mỗi vị 9g; kê huyết đằng 15g, bắc kỳ 18g, gừng tươi 6g. Đem các vị thuốc trên sắc đặc còn 3 bát nước thì uống hết trong ngày. Sử dụng bài thuốc liên tục trong vòng 10 ngày sẽ thấy hiệu quả.
  • Bài thuốc 2: Cốt toái bổ, địa quỳ, phòng phong, điều cầm, liễu quế mỗi vị 12g; chỉ thực, trần bì mỗi vị 8g; bạch linh, đảng sâm mỗi vị 16g; tế thảo, cam thảo trích 6; đại táo 3 quả. Đem các vị thuốc trên sắc đặc còn 3 bát nước thì uống hết trong ngày. Sử dụng bài thuốc liên tục trong vòng 10 ngày sẽ thấy triệu chứng đau đớn được cải thiện rõ rệt.
  • Bài thuốc 3: Cam thảo trích 6g; dược cần, quế liễu, tra tử, đương quy, kỳ tích mỗi vị 9g; sinh khương, kim bất hoán mỗi vị 3g; cát căn 15g và đại táo 3 quả. Đem các vị thuốc trên sắc đặc còn 3 bát nước thì uống hết trong ngày. Sử dụng bài thuốc liên tục trong vòng 10 ngày sẽ thấy hiệu quả.
  • Bài thuốc 4: Thiên trùng, nam tinh, định phong thảo mỗi vị 9g; dây hà thủ ô, bạch lượng kim mỗi vị 24g; hồng căn 30g; bạch phục linh 15g và vuốt mèo 20g. Cho tất cả các vị thuốc đã chuẩn bị ở trên vào ấm sắc với nước đến khi còn 3 bát nước đặc thì đem ra uống. Sử dụng bài thuốc liên tục trong vòng 10 ngày sẽ thấy triệu chứng đau đớn được cải thiện rõ rệt.

Bên cạnh đó, một số liệu pháp Đông y cũng được áp dụng phổ biến cho bệnh nhân thoái hóa đốt sống như: Xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt, diện chẩn,... Mục đích của các liệu pháp này là làm giãn các gân cơ, dây chằng, giúp lưu thông khí huyết, tăng cường lưu thông máu để giảm nhanh các cơn đau, hỗ trợ điều trị thoái hóa đốt sống lưng L4 L5 hiệu quả.

Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp trên, người bệnh cần đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên về đông y, y học cổ truyền để được thầy thuốc bắt mạch, kê đơn thuốc phù hợp.

Các liệu pháp Đông y nên được thực hiện bởi các thầy thuốc có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm
Các liệu pháp Đông y nên được thực hiện bởi các thầy thuốc có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm

Các bài tập chữa thoái hóa đốt sống lưng l4 l5

Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh nên tập luyện song song với quá trình điều trị để đạt được hiệu quả tốt nhất.

  • Bài tập nằm sấp: Người bệnh nằm sấp, duỗi thẳng tay chân. Sau đó từ từ năng cổ lên cao (hít vào) và nhẹ nhàng hạ xuống (thở ra). Lưng vẫn giữ thẳng, thực hiện lặp lại động tác nâng cổ khoảng 10 lần.
  • Bài tập rắn hổ mang: Người bệnh nằm sấp và chống 2 tay xuống sàn. Rồi từ từ nâng thân trước cao hết mức sao cho cẳng tay có thể duỗi thẳng, đồng thời giữ đầu, lưng và chân thẳng. Giữ tư thế này trong vòng 5 giây, rồi tiếp tục nâng người như vậy khoảng 8 – 10 lần.
  • Bài tập gập bụng một phần: Người bệnh nằm ngửa lưng, hơi cong 2 đầu gối nhưng lòng bàn chân và lưng áp lên sàn tập. Từ từ kéo cằm về phía ngực, đẩy cong phần trên cơ thể về phía trước để nâng vai lên khỏi mặt sàn, đồng thời 2 tay hướng về phía trước. Để tăng độ khó của bài tập, người bệnh có thể siết chặt 2 tay đặt sau cổ và khuỷu tay hướng ra ngoài.
  • Bài tập chống đẩy bằng khuỷu tay: Người bệnh nằm sấp, đặt hai khuỷu tay xuống sàn. Sau đó nhẹ nhàng kiễng ngón chân để nâng phần thân dưới. Khi cơ thể được nâng lên khỏi mặt đất, lưng giữ thẳng. Giữ yên tư thế động tác này trong 30 giây rồi từ từ hạ xuống. Thực hiện quy trình 4 bước trên 10 lần mỗi ngày.
  • Bài tập hình cánh cung: Người bệnh nằm úp trên sàn, sau đó chống hai tay xuống sàn và dùng lực cánh tay để nâng phần thân cao hết mức. Giữ cho đầu, lưng và chân thẳng, hít thở đều đặn nhịp nhàng. Giữ nguyên tư thế trong vòng 5 -1 0 giây rồi thả lỏng cơ thể về vị trí ban đầu. Thực hiện quy trình 3 bước trên 10 lần mỗi ngày.

Bệnh thoái hóa đốt sống lưng L4 L5 rất nguy hiểm nếu không được thăm khám và điều trị bệnh kịp thời. Vì vậy, khi bắt đầu nhận thấy có dấu hiệu nhức mỏi lưng lâu ngày không đỡ, bạn đọc nên chủ động đến cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị.


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Triệu chứng
Điều trị phòng ngừa

Danh sách Bác sĩ - Chuyên gia

Xem tất cả

Danh sách Cơ sở y tế

Xem tất cả