Viêm da dầu ở cánh mũi là bệnh da liễu mãn tính, điển hình với thương tổn da có màu đỏ, nhờn, ẩm và có nhiều vảy bong trên bề mặt. Không giống với các tình trạng viêm da mãn tính khác, bệnh lý này thường không gây ngứa ngáy, khó chịu và nóng rát. Chính vì vậy nếu tích cực chăm sóc, điều trị và chủ động phòng ngừa, các triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát hoàn toàn.

Viêm da dầu ở cánh mũi & Thông tin cần biết

Viêm da dầu (viêm da tiết bã) là bệnh da liễu mãn tính, đặc trưng bởi tổn thương da có màu đỏ, nhờn, ẩm và có nhiều vảy bong ở trên bề mặt. Bệnh thường ảnh hưởng đến những vùng da có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh – trong đó xảy ra chủ yếu ở 2 bên cánh mũi.

Viêm da dầu ở cánh mũi có thể khu trú hoặc lan tỏa rộng đến một số vùng da khác như cằm, mép, cung mày và má. So với viêm da tiết bã ở đầu và nửa trên thân mình, viêm da dầu ở mũi thường có mức độ nhẹ và đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị.

Theo Thầy thuốc ưu tú Lê Phương - Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT Hà Đông cho biết, mặc dù bệnh lý này không thể chữa trị dứt điểm nhưng nếu chăm sóc và điều trị đúng cách, các triệu chứng của bệnh có thể thuyên giảm hoàn toàn. Ngược lại, tình trạng chủ quan, chậm trễ trong quá trình điều trị hoặc xử lý không đúng cách có thể khiến bệnh bùng phát mạnh, gây ảnh hưởng đến ngoại hình và chất lượng cuộc sống.

Viêm da dầu ở cánh mũi
Vùng da ở cánh mũi là vị trí dễ bùng phát bệnh viêm da tiết bã

Dấu hiệu nhận biết

Viêm da tiết bã ở cánh mũi thường xảy ra ở người trưởng thành, người cao tuổi và hầu như không ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.

Viêm da dầu ở cánh mũi
Bệnh đặc trưng bởi tình trạng da đỏ, nhờn, ẩm dính và có các vảy bong màu trắng

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh viêm da dầu ở 2 bên cánh mũi, bao gồm:

  • Vùng da ở cánh mũi có dấu hiệu đỏ và đổ nhiều dầu
  • Tổn thương da bằng phẳng, có hoặc không có ranh giới rõ ràng với các vùng da lân cận
  • Bề mặt tổn thương xuất hiện vảy bong màu trắng hoặc vàng nhạt (không bong vảy màu bạc như bệnh vảy nến)
  • Bệnh thường không gây ngứa hoặc có thể gây ngứa ngáy và nóng rát nhẹ

Tổn thương do viêm da dầu ở cánh mũi có tính chất đối xứng, tiến triển chậm, có thể xảy ra khu trú hoặc lan tỏa đến một số vùng da lân cận.

Nguyên nhân & Yếu tố rủi ro

Hiện tại, các chuyên gia Da liễu vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể gây viêm da dầu ở cánh mũi. Tuy nhiên theo một số giả thuyết, bệnh có thể khởi phát do một số nguyên nhân và yếu tố rủi ro sau:

Nguyên nhân gây viêm da dầu ở cánh mũi:

  • Yếu tố di truyền: Di truyền là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm da dầu ở cánh mũi. Theo thống kê, các trường hợp mắc bệnh đều có người thân cận huyết bị bệnh vảy nến hoặc viêm da tiết bã.
  • Nấm men Malassezia: Nấm Malassezia xâm nhập vào thượng bì da và tạo ra các chất chuyển hóa. Các chất chuyển hoá này kích thích phản ứng viêm và tăng sinh tế bào chết trên vùng da tổn thương.
  • Phản ứng bất thường của hệ miễn dịch: Sau khi sinh thiết da, các nhà khoa học nhận thấy cơ chế hình thành bệnh có liên quan đến hoạt động bất thường của hệ miễn dịch. Phản ứng bất thường này tác động đến tế bào lympho T, làm tăng IgE trong huyết tương và phóng thích histamine vào mô da.

Bên cạnh các nguyên nhân trên, viêm da tiết bã ở 2 bên cánh mũi còn có thể bùng phát do một số yếu tố rủi ro như:

  • Rối loạn hoạt động của tuyến bã nhờn: Tuyến bã nhờn hoạt động quá mức là một trong những yếu tố rủi ro gây ra bệnh viêm da dầu. Lượng dầu thừa được bài tiết có thể cộng hưởng với một số yếu tố ngoại sinh, thúc đẩy sự phát triển của nấm men và gây bùng phát thương tổn da.
  • Hệ miễn dịch suy giảm: Viêm da tiết bã nói riêng và các bệnh da liễu mãn tính đều có xu hướng khởi phát và tiến triển mạnh khi hệ miễn dịch suy giảm. Chính vì vậy ở những đối tượng có sức đề kháng kém (tiểu đường, nhiễm HIV, nhiễm trùng mãn tính, cấy ghép nội tạng,…) bệnh thường bùng phát mạnh và có xu hướng lan tỏa toàn thân.
  • Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn không lành mạnh (ăn thực phẩm chứa nhiều đường, muối, gia vị cay nóng, thức ăn nhanh, rượu bia, cà phê,…) có thể khiến sức khỏe suy yếu và kích thích hoạt động bài tiết dầu thừa. Các tác động này có thể tạo điều kiện thuận lợi để bệnh viêm da dầu ở 2 bên cánh mũi khởi phát.
  • Rối loạn nội tiết tố: Nội tiết tố không chỉ đảm nhiệm chức năng của buồng trứng và tuyến yên mà còn tác động đến sức khỏe tổng thể. Do đó khi nội tiết tố mất ổn định, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng như mệt mỏi, rụng tóc, chảy máu chân răng và tăng nguy cơ bùng phát các bệnh da liễu mãn tính.

Ảnh hưởng của viêm da dầu ở 2 bên cánh mũi

Viêm da dầu ở cánh mũi thường có mức độ nhẹ và thuyên giảm nhanh sau khi điều trị. Tuy nhiên bệnh lý này có tính chất mãn tính, dai dẳng và dễ tái phát. Vì vậy nếu không chủ động phòng ngừa, bệnh có thể tái phát nhiều lần, gây ảnh hưởng đến ngoại hình và phiền toái trong cuộc sống.

So với các bệnh da liễu mãn tính (viêm da cơ địa, chàm tổ đỉa, viêm da tiếp xúc,…) viêm da tiết bã gần như không gây nóng rát, ngứa ngáy và khó chịu. Do đó bệnh lý này thường không gây ra tổn thương thứ phát (thương tổn do gãi cào và chà xát mạnh vào da) và hạn chế được nguy cơ bội nhiễm (vi khuẩn xâm nhập vào vùng da bị ảnh hưởng và gây ra hiện tượng nhiễm trùng).

Phòng ngừa viêm da dầu ở cánh mũi bằng cách nào?

Như đã đề cập, viêm da dầu là bệnh da liễu tiến triển dai dẳng và dễ tái phát. Nếu không chủ động phòng ngừa, bệnh có thể bùng phát nhiều lần, gây tổn thương da và tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.

Vì vậy sau khi điều trị, bạn nên phòng ngừa bệnh tái phát với một số biện pháp đơn giản như:

  • Giữ vệ sinh da mặt và dưỡng ẩm cho da đầy đủ. Thói quen này giúp loại bỏ dầu thừa ứ đọng trong nang lông, tăng sức đề kháng cho da và hạn chế tình trạng tăng sinh vảy bong trên bề mặt.
  • Da mặt có đặc điểm mỏng và nhạy cảm hơn so với những vùng da khác. Vì vậy bạn cần thận trọng khi lựa chọn các sản phẩm chăm sóc và trang điểm.
  • Sử dụng kem chống nắng, đeo khẩu trang, mặc áo khoác,… khi di chuyển và hoạt động dưới trời nắng. Tia UV có cường độ mạnh có thể khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh và kích thích triệu chứng của viêm da dầu bùng phát.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý và tập luyện thường xuyên nhằm điều hòa hoạt động của tuyến dầu, kiểm soát căng thẳng và nâng cao sức đề kháng.
  • Tích cực điều trị một số bệnh lý có khả năng kích thích viêm da dầu bùng phát như tiểu đường, rối loạn nội tiết tố, nhiễm trùng mãn tính,…

Các biện pháp điều trị viêm da dầu ở cánh mũi

Hiện tại không có biện pháp điều trị dứt điểm viêm da dầu nói chung và viêm da dầu ở cánh mũi nói riêng. Do đó mục tiêu chính của quá trình điều trị là giảm tổn thương da, ngăn ngừa tái phát và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Dưới đây là một số biện pháp điều trị viêm da tiết bã ở cánh mũi bạn có thể áp dụng, bao gồm:

1. Chăm sóc và điều trị tại nhà

Nếu viêm da tiết bã ở cánh mũi có mức độ nhẹ và không có dấu hiệu lan tỏa, bạn có thể cải thiện triệu chứng với một số biện pháp chăm sóc và điều trị tại nhà sau đây:

  • Vệ sinh da đúng cách: Vùng da ở 2 bên cánh mũi có đặc điểm mỏng, nhạy cảm và tiết nhiều dầu thừa. Vì vậy bạn cần vệ sinh da từ 1 – 2 lần/ ngày với sữa rửa mặt dịu nhẹ để loại bỏ vảy bong, dầu thừa và làm dịu vùng da thương tổn.
  • Dưỡng ẩm cho da: Bên cạnh đó, cần sử dụng kem dưỡng ẩm có kết cấu mỏng và thành phần an toàn nhằm duy trì độ ẩm, làm dịu tình trạng viêm và hạn chế tăng sinh tế bào chết.
  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Nhằm hạn chế thương tổn da bùng phát mạnh và lan tỏa sang những vùng da khác, bạn nên uống nhiều nước, tăng cường bổ sung trái cây, rau xanh và một số thực phẩm lành mạnh. Đồng thời cần tránh dùng bia rượu, hút thuốc lá, thực phẩm chứa nhiều đường, muối, gia vị cay nóng và chất béo bão hòa.
  • Không chà xát lên da: Chà xát lên da có thể giảm ngứa và loại bỏ vảy bong. Tuy nhiên thói quen này có thể khiến da xây xước, chảy máu và tăng nguy cơ viêm nhiễm. Do đó bạn cần tránh tình trạng dùng tay và vật cứng chà xát lên vùng da bị ảnh hưởng.
  • Tận dụng một số thảo dược tự nhiên: Ngoài ra, bạn có thể giảm vảy bong, điều hòa hoạt động tiết bã nhờn và cải thiện tình trạng viêm đỏ ở vùng da 2 bên cánh mũi với một số thảo dược tự nhiên như nha đam, mật ong, dầu dừa, tinh dầu tràm trà,…

2. Sử dụng thuốc khi cần thiết

Nếu triệu chứng không thuyên giảm hoàn toàn sau khi áp dụng các biện pháp chăm sóc và điều trị tại nhà, bạn cần chủ động gặp bác sĩ Da liễu để được thăm khám và chỉ định các loại thuốc sau:

  • Thuốc kháng nấm dạng bôi: Thuốc kháng nấm dạng bôi là loại thuốc điều trị chính đối với viêm da dầu ở 2 bên cánh mũi. Thuốc có tác dụng ức chế vi nấm Malassezia nhằm làm giảm tình trạng đỏ da, da nhờn, ẩm và bong vảy.
  • Thuốc bạt sừng: Với những trường hợp xuất hiện nhiều vảy bong, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bôi có tác dụng bạt sừng như (Acid salicylic, PHA, Acid lactic,…). Nhóm thuốc này có tác dụng làm bong tế bào chết, giảm hoạt động bài tiết dầu thừa và sát trùng nhẹ.
  • Thuốc bôi chứa corticoid: Thuốc bôi chứa corticoid được chỉ định trong trường hợp tổn thương da gây viêm nặng. Mặc dù có hiệu quả điều trị cao nhưng nhóm thuốc này dễ gây ra một số tác dụng phụ như teo da, giãn mao mạch, suy giảm sức đề kháng của da,… Do đó thuốc bôi chứa corticoid chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn và phải giảm liều ngay khi triệu chứng thuyên giảm.
  • Thuốc bôi ức chế calcineurin: Thuốc bôi ức chế calcineurin có tác dụng giảm viêm, sưng đỏ và loại bỏ vảy bong ở 2 bên cánh mũi. Nhóm thuốc này được sử dụng ưu tiên đối với trường hợp viêm da dầu ở mặt vì không gây mỏng da, giãn mao mạch và teo da như thuốc corticoid. Ở những trường hợp gặp phải tác dụng phụ do thuốc bôi corticoid, bác sĩ có thể thay thế bằng thuốc bôi ức chế calcineurin.

Viêm da dầu ở cánh mũi thường có mức độ nhẹ và đáp ứng tốt với các biện pháp chăm sóc – điều trị. Tuy nhiên với những trường hợp chủ quan và không tiến hành khắc phục, thương tổn da có thể lan tỏa rộng, tiến triển dai dẳng và gây ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng thẩm mỹ của làn da.

Câu hỏi thường gặp

Viêm da tiết bã, dù gây khó chịu và mất thẩm mỹ, KHÔNG lây truyền từ người sang người. Nguyên nhân chính là do sự hoạt động quá mức của tuyến bã nhờn, kết hợp với các yếu tố như nấm men Malassezia, stress, và yếu tố di truyền.

  • Không lây qua tiếp xúc: Bạn có thể yên tâm tiếp xúc với người bị viêm da tiết bã mà không lo bị lây nhiễm.
  • Tuy nhiên, có thể lây lan trên cơ thể: Tổn thương da có thể lan rộng sang các vùng da khác trên cùng một người nếu không được kiểm soát.
  • Điều trị kịp thời là quan trọng: Mặc dù không lây, viêm da tiết bã cần được điều trị để tránh biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nếu bạn nghi ngờ mình bị viêm da tiết bã, hãy tìm đến bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Câu trả lời là có, nhưng cần kiên trì và điều trị đúng cách. Viêm da dầu là tình trạng mãn tính, có thể tái phát. Tuy nhiên, với các phương pháp điều trị phù hợp, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tái phát hiệu quả.

  • Điều trị tại chỗ: Dầu gội, kem bôi chứa thành phần trị nấm, kháng viêm, giảm ngứa.
  • Thuốc uống: Trường hợp nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng nấm, kháng sinh hoặc corticoid.
  • Chăm sóc da đúng cách: Vệ sinh da đầu sạch sẽ, tránh gãi, không dùng sản phẩm gây kích ứng.
  • Chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh: Ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, giảm stress.


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Triệu chứng
Điều trị phòng ngừa

Danh sách Bác sĩ - Chuyên gia

Xem tất cả

Danh sách Cơ sở y tế

Xem tất cả