Chàm bìu: Nguyên nhân mắc bệnh và cách điều trị

Cập nhật: 14/05/2024 Theo dõi trên goole news

Chàm bìu là căn bệnh viêm da mãn tính dễ gặp gây ra rất nhiều triệu chứng phiền toái cho nam giới. Nó khiến cho vùng da bìu trở nên dày đỏ, gây kích ứng, bong vảy đi kèm với tình trạng ngứa ngáy rất khó chịu. Hiện chưa có cách điều trị dứt điểm nhưng để khắc phục những triệu chứng của bệnh là hoàn toàn không khó.

Chàm bìu là bệnh gì? Thông tin cần nắm

Chàm (eczema) là bệnh da liễu mãn tính rất phổ biến có thể xuất hiện trên bất cứ vùng da nào. Trong đó, vùng da bìu của nam giới là khu vực nhạy cảm, có cấu trúc lỏng lẻo nên tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh khởi phát.

Bệnh chàm bìu đặc trưng bởi tình trạng da bị viêm, xuất hiện mụn nước gây ngứa. Trong nhiều trường hợp còn có thể kích hoạt các vết lở loét, vùng da bị bệnh thường sưng đỏ, bong tróc. Nếu chuyển biến nặng thì các triệu chứng có thể lan tỏa trên diện rộng, lan khắp bộ phận sinh dục, vùng mông và gây đau đớn.

Do xuất hiện ở vùng nhạy cảm nên bệnh thường gây nhiều phiền toái, đồng thời gây ra tâm lý tự ti, mặc cảm cho phái mạnh. Những cơn ngứa ngáy, đau rát ở vùng kín mà bệnh chàm bìu gây ra là nỗi ám ảnh lớn với rất nhiều nam giới.

1. Các nguyên nhân gây bệnh chàm bìu

Các chuyên gia Da liễu nhận định, các nguyên nhân gây ra bệnh chàm bìu thường phức tạp và rấy khó xác định. Tuy nhiên, bệnh có thể liên quan đến một số yếu tố dưới đây:

  • Tác nhân dị ứng/kích ứng: Đây được cho là yếu tố thường gặp tạo điều kiện cho các triệu chứng của bệnh bùng phát. Dị ứng bao cao su, chất tẩy rửa, chất nhuộn trong quần áo… là những tác nhân quen thuộc bạn cần hết sức chú ý.
  • Môi trường ô nhiễm: Vấn đề ô nhiễm môi trường hay sự phát triển quá mức của các thành phần dị nguyên trong không khí cũng được ghi nhận là liên quan đến sự kích hoạt bệnh chàm bìu. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao những nam giới có công việc thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường không tốt có nguy cơ mắc bệnh cao.
  • Thiếu hụt dưỡng chất: Cơ thể thiếu hụt một số vi chất, điển hình như riboflavin và kẽm cũng có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ phát sinh một số triệu chứng của bệnh chàm tại vùng da bìu.
  • Các bệnh lý liên quan: Chàm bìu có thể kích hoạt hay phát triển nặng nề thêm khi có sự tác động của các vấn đề sức khỏe. Trong đó điển hình là những bệnh lý như nhiễm trùng da, tiểu đường, HIV, suy thận…
  • Yếu tố di truyền: Nếu cá nhân hoặc những người thân cận huyết có tiền sử mắc các bệnh như viêm da cơ địa, chàm… thì nguy cơ mắc chàm bìu cũng sẽ cao hơn những người bình thường.
nguyên nhân gây chàm bìu
Bệnh nhân tiểu đường thường có nguy cơ mắc bệnh chàm bìu cao hơn đối tượng khác

2. Nhận biết bệnh dựa vào triệu chứng

Tùy thuộc vào yếu tố tác nhân gây bệnh mà triệu chứng biểu hiện ở mỗi đối tượng sẽ có những điểm khác biệt nhất định. Những dấu hiệu thực thể thường kích hoạt ngay tại vùng da bìu nhưng sau đó có xu hướng lan rộng ra vùng giữa mông, quanh hậu môn hay trên dương vật nếu không kiểm soát tốt.

Đi kèm với tình trạng tổn thương trên da là sự xuất hiện của những cơn ngứa ngáy rất khó chịu. Việc gãi ngứa cộng với ma sát quần áo sẽ khiến tổn thương da dễ bị trầy xước, lở loét và nhiễm trùng.

Bệnh chàm bìu được kích hoạt ở nhiều thể khác nhau và ở mỗi thể thì triệu chứng sẽ có những biểu hiện cụ thể. Cần chú ý đến các dấu hiệu sau để nhận biết bệnh tốt hơn:

  • Thể khô, viêm nhẹ: Tổn thương da thường xuất hiện với ranh giới rõ ràng, nhất là khi căng da bìu sẽ dễ thấy hơn. Cảm giác ngứa và bỏng rát kích hoạt ở mức độ nhẹ. Các triệu chứng có xu hướng kéo dài khoảng vài ngày cho tới vài tuần, sau đó tự bong vảy và tự khỏi.
  • Thể khô, mức độ nặng, mãn tính: Vùng da bìu có dấu hiệu đỏ sáng hay giảm sắc tố rõ rệt. Đi cùng với đó là tình trạng bong vảy, ngứa ngáy và bỏng rát. Tổn thương trên da có xu hướng lan rộng tới dương vật và háng, đùi.
  • Thể ướt, mạn tính: Ở thể bệnh này, vùng da bìu và vùng da ở mặt trong của đùi thường có dấu hiệu ẩm ướt. Trên bề mặt da xuất hiện các mảng trắng, nứt nẻ và gây rò nước. Trong nhiều trường hợp còn dẫn đến giãn mạch, gây đau nhức nhiều.
  • Thể loét và phù: Lúc này, da bìu sẽ có biểu hiện sưng nề, vùng da tổn thương nứt nẻ hoặc có thể bị loét và chảy dịch mủ. Tình trạng này thường gây đau nhức dữ dội, đôi khi còn dẫn đến hoại tử rất nguy hiểm.

Bệnh chàm bìu có lây không? Có nguy hiểm không?

Theo nhận định của các chuyên gia Da liều thì chàm bìu không phải là một bệnh lý truyền nhiễm. Chính vì thế mà bệnh không lây truyền từ người này sang người khác mà chỉ có thể chuyển biến nặng hơn hay có dấu hiệu thuyên giảm ở mỗi người.

Tuy nhiên, bạn cần hết sức cẩn trọng với trường hợp vùng da bìu bị nhiễm khuẩn hay nhiễm nấm men. Bởi lúc này, nguy cơ lây nhiễm vẫn có thể bị kích hoạt do sự truyền nhiễm của vi khuẩn, vi nấm trên da khi tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp.

Chàm bìu không phải là bệnh lý nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng nhưng triệu chứng của bệnh thường kéo dài dai dẳng và có nguy cơ tái phát cao. Bệnh lại phát sinh ở vùng nhạy cảm nên ảnh hưởng lớn đến tâm lý và ham muốn tình dục.

Trường hợp tổn thương da xuất hiện bội nhiễm là vấn đề nghiêm trọng mà bạn cần kiểm soát kịp thời. Nếu không can thiệp tốt, bội nhiễm có thể lan rộng, ăn sâu vào mô da và gây ra hoại tử, khiến da bị tổn thương vĩnh viễn. Ngoài ra còn làm phát sinh nhiều biến chứng nghiêm trọng khác ở cơ quan sinh dục.

Cách điều trị và kiểm soát bệnh chàm bìu

Bệnh chàm bìu thường diễn tiến rất nhanh nếu không sớm có biện pháp can thiệp kịp thời và đúng đắn. Để cải thiện các triệu chứng của bệnh thì ngoài việc điều trị y tế, bạn có thể áp dụng thêm các giải pháp từ tự nhiên hay dùng thuốc Đông y kết hợp.

Dưới đây là các phương án điều trị phổ biến nhất được đánh giá là có thể đáp ứng với bệnh chàm bìu.

1. Điều trị y tế

Việc điều trị y tế sẽ được chỉ định sau khi bác sĩ kiểm tra chẩn đoán và xác định mức độ bệnh. Tùy thuộc vào từng đối tượng mà sẽ lên toa thuốc cho phù hợp nhằm hỗ trợ đẩy lùi triệu chứng tốt nhất và làm giảm nguy cơ phát sinh các vấn đề ngoại ý.

Dưới đây là một số loại thuốc mà bác sĩ có thể chỉ định trong điều trị bệnh chàm bìu:

  • Thuốc mỡ, kem dưỡng ẩm: Đây là nền tảng chính với quá trình khắc phục bệnh chàm bìu. Cần chú ý thoa các loại kem dưỡng ẩm, thuốc mỡ khoảng 2 – 3 lần mỗi ngày theo hướng dẫn từ bác sĩ. Chất làm mềm da có trong kem dưỡng ẩm hay thuốc mỡ sẽ giúp cấp ẩm cho làn da, tránh khô ráp da và giảm tình trạng bong tróc vảy.
  • Steroid tại chỗ: Đáp ứng tốt với trường hợp triệu chứng của bệnh chàm bìu kích hoạt ở mức độ từ trung bình đến nặng. Tuy nhiên tuyệt đối không dùng kéo dài hay lạm dụng bởi nhóm thuốc này rất dễ gây ra các phản ứng phụ trên da.
  • Thuốc kháng histamine: Đây là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất khi điều trị dị ứng. Thuốc sẽ đối kháng lại với các thụ thể histamine trong cơ thể để hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng ngứa rát do phóng thích histamine.
  • Thuốc điều hòa miễn dịch tại chỗ: Tacrolimus (Protopic) và Pimecrolimus (Elidel) là 2 chất điều hòa miễn dịch tại chỗ được dùng phổ biến trong điều trị chàm bìu. Cần chú ý bởi chúng có thể khiến vùng da bị tổn thương kích ứng khi dùng sai liều lượng.
  • Corticosteroid đường uống: Loại thuốc này thường được dùng kết hợp để đẩy nhanh việc khắc phục các triệu chứng bệnh có mức độ từ trung bình cho tới nặng.
  • Thuốc tiêm: Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ cân nhắc việc sử dụng thuốc dupilumab (dupixent) để tiêm với tần suất 2 tuần 1 lần. Loại thuốc này có thể làm phát sinh các tác dụng ngoại ý như viêm kết mạc hay viêm loét mí mắt.

Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc Tây để điều trị bệnh chàm bìu thì bác sĩ cũng có thể chỉ định quang trị liệu. Nhất là trong trường hợp người bệnh không thể dùng thuốc hay việc dùng thuốc không đáp ứng tốt với các triệu chứng. Vùng da bìu bị chàm sẽ được chữa lành bằng cách tiếp xúc với tia cực tím để xạ trị. Mặc dù có hiệu quả tốt nhưng liệu pháp điều trị này có thể gây ra biến chứng, nhất là làm tăng nguy cơ ung thư da.

2. Chữa chàm bìu bằng thuốc Đông y

Theo Đông y, nguyên nhân gây bệnh chàm chìu chủ yếu là do huyết nhiệt, kết hợp cùng tình trạng can thận kém khiến chi yếu tố ngoại tà và phòng hàn dễ xâm nhập. Chính vì thế mà việc điều trị cần có sự tác động kép, trong uống ngoài bôi để giải quyết căn nguyên và hỗ trợ khắc phục các triệu chứng trên da.

thuốc đông y chữa chàm bìu
Cùng với điều trị y tế thì dùng thuốc Đông y cũng là một giải pháp với bệnh chàm bìu

Có thể áp dụng động thời các bài thuốc dưới đây:

  • Bài thuốc ngâm rửa: Gồm các thành phần chính như ích nhĩ tử, mò trắng, trầu không. Mang đến công dụng kháng khuẩn, giúp làm mềm vùng da tổn thương và ngăn ngừa bệnh lan sang các vùng da lân cận.
  • Bài thuốc bôi: Nguyên liệu bao gồm mật ong, bí đao, thiên mã hồ giúp loại bỏ da chết, tăng cường đàn hồi và thúc đẩy quá trình tái tạo các tế bào da mới.
  • Bài thuốc uống: Thành phần gồm tang bạch bì, bồ công anh, kim ngân hoa, ké đầu ngựa, đơn đỏ. Giúp giải độc tiêu viêm, đồng thời tăng cường khả năng thải độc của gan thận.

Đối với việc điều trị chàm bìu bằng Đông y bạn nên tham khảo kỹ thầy thuốc để được chỉ dẫn về liều lượng và cách sử dụng. Nhất là các bài thuốc ngâm rửa và thuốc bôi không nên áp dụng khi trên da bìu có xuất hiện bội nhiễm.

3. Mẹo tại nhà giúp làm giảm ngứa

Bên cạnh việc điều trị y tế và dùng thuốc Đông y thì bạn có thể áp dụng thêm các mẹo chữa tại nhà để hỗ trợ làm giảm các triệu chứng chàm bìu. Đặc biệt là cải thiện tình trạng ngứa ngáy và ngăn ngừa tổn thương da lan rộng.

Dưới đây là một số mẹo an toàn cho bạn:

  • Sử dụng dầu oliu hoặc dầu dừa: Chỉ cần bôi 1 lớp mỏng nhẹ dầu oliu hay dầu dừa lên vùng da bìu đang bị chàm và để nguyên trong khoảng 20 – 30 phút và dùng nước sạch rửa lại.
  • Dùng lá trà xanh: Chuẩn bị 1 nắm lá trà xanh đem rửa sạch rồi vò cho hơi nát. Cho vào nồi đun cùng 1 lít nước cho sôi trong 5 phút. Bỏ bã, dùng nước trà xanh để ngâm rửa vùng da đang bị tổn thương.
  • Sử dụng lá ổi: Cần có 1 nắm lá ổi, rửa sạch với nước muối loãng. sau đó cho vào cối giã nát và thêm ít nước để vắt lấy nước cốt. Dùng bông thấm vào nước này rồi bôi trực tiếp lên vùng da bị chàm bìu.

Phương pháp chăm sóc và dự phòng tái phát

Bạn cần chú ý thực hiện tốt một số khuyến nghị sau đây trong chế độ chăm sóc để dự phòng bệnh chàm bìu tái phát:

  • Tránh việc dùng tay gãi ngứa hay chà xát lên vùng da bìu đang bị tổn thương để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm. Đồng thời chú ý mặc quần áo rộng thoáng, nhất là chọn quần lót có độ co giãn tốt để giảm ma sát lên da.
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, môi trường ô nhiễm, đồng thời hạn chế tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ.
  • Cần chú ý không vận động quá nhiều hay lao động nặng nhọc bởi có thể khiến vùng háng tăng tiết mồ hôi, tạo điều kiện cho tổn thương da lan rộng, khó lành.
  • Thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm lành tính hay các chất làm mềm tự nhiên để giúp cân bằng độ ẩm cho làn da, ngăn ngừa tình trạng khô da, nhất là khi thời tiết lạnh, hanh khô.
  • Chú ý vệ sinh thân thế, nhất là vùng sinh dục bằng các sản phẩm vệ sinh lành tính. Tuyệt đối không dùng các loại sữa tắm hay chất tẩy rửa có mùi thơm và tính tẩy mạnh.
  • Quan hệ tình dục lành mạnh và duy trì tần suất điều độ, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ.
  • Giữ cho tâm lý luôn thoải mái, vui vẻ, kiểm soát tốt căng thẳng, stress. Nên dành thời gian nghỉ ngơi, rèn luyện thân thể, ngủ đúng giờ đủ giấc.

Nam giới nên chú ý thăm khám sớm để được hướng dẫn điều trị đúng cách khi các triệu chứng bệnh chàm bìu xuất hiện. Điều này sẽ giúp nhanh chóng kiểm soát diễn tiến của bệnh, giảm những rủi ro mà bệnh gây ra cho sức khỏe và cuộc sống. Ngược lại nếu chủ quan thì bệnh sẽ dai dẳng kéo dài hay có nguy cơ tái phát cao và gây ra nhiều phiền toái.

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

EMC Đã kết nối EMC