Vảy nến là bệnh da liễu mãn tính ảnh hưởng chủ yếu đến người từ 10 – 30 tuổi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 10 tuổi. Tương tự như người trưởng thành, vảy nến ở trẻ sơ sinh có biểu hiện tương đối đa dạng nhưng phần lớn đều lành tính, ít nguy hiểm đến sức khỏe. 

Trẻ sơ sinh có bị vảy nến không?

Vảy nến/ vẩy nến là một dạng viêm da mãn tính có liên quan đến yếu tố di truyền và bất thường ở nhiễm sắc thể số 6. Gen gây bệnh khởi động khi có những yếu tố kích hoạt như rối loạn nội tiết tố, căng thẳng thần kinh, sử dụng thuốc, chấn thương cơ học,... Kết quả là da xuất hiện các mảng hoặc đốm đỏ, bề mặt có vảy trắng mỏng có bạc hoặc trắng như nến với viền có màu đỏ hoặc màu xám.

tre-so-sinh-bi-vay-ne
tình trạng vảy nến ở trẻ sơ sinh

Vảy nến ảnh hưởng đến người từ 10 - 30 tuổi với tỷ lệ đồng đều ở cả nam và nữ giới. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh cũng có thể xảy ra ở cả trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh là đối tượng nhạy cảm có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Chính vì vậy, vảy nến rất dễ bùng phát mạnh và lan tỏa dẫn đến chứng đỏ da toàn thân.

Dù được đánh giá là bệnh lành tính nhưng vảy nến ở trẻ sơ sinh có thể khiến da giảm chức năng đề kháng và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Do đó, phụ huynh cần trang bị những kiến thức cần thiết về bệnh để kịp thời phát hiện và đưa con trẻ đến gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất.

Dấu hiệu nhận biết vảy nến ở trẻ sơ sinh (có hình ảnh)

Vảy nến là bệnh da liễu có triệu chứng tương đối dễ nhận biết. Điển hình nhất là tình trạng da xuất hiện các mảng hoặc đốm phát ban có màu đỏ, bề mặt chồng xếp nhiều vảy mỏng có màu trắng hoặc màu bạc. Viền tổn thương có màu đỏ hoặc màu xám, thường không ngứa hoặc chỉ gây ngứa nhẹ.

Tổn thương da do vảy nến ảnh hưởng nhiều nhất đến vùng da đầu (chiếm 51%), kế tiếp là vùng da mặt, bả vai, tay và phần thân trên. Triệu chứng xuất hiện nhiều ở vùng tỳ đè hơn là vùng da có nếp gấp. Thực tế, vảy nến có khá nhiều thể lâm sàng. Triệu chứng của từng thể có sự khác nhau về biểu hiện, vị trí và mức độ.

Dưới đây là một số thể bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh:

1. Vảy nến thể giọt

Vảy nến thể giọt là thể lâm sàng thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện đột ngột sau khi bị viêm amidan và viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc viêm tai giữa. Đặc điểm của thể bệnh này là da xuất hiện các chấm có kích thước từ 1 - 2mm rải rác ở tay và phần thân trên của cơ thể.

2. Vảy nến thể mảng

Vảy nến thể mảng gặp nhiều ở người lớn hơn so với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thể bệnh này biểu hiện là các mảng phát ban lớn có kích thước từ 5 - 10cm hoặc lớn hơn, xuất hiện chủ yếu ở những vùng da tỳ đè như mặt trước cẳng chân, khuỷu tay, xương cùng, lưng, ngực, đầu gối,...

So với các thể khác, tổn thương da của vảy nến thể mảng thường nổi cộm hơn, ranh giới rõ và có hiện tượng thâm nhiễm. Vảy nến thể mảng có tính chất cố thủ, dai dẳng hơn. Một số đám mảng lớn có thể liên kết tạo thành mảng lớn - đặc biệt là ở vùng ngực.

3. Vảy nến tã lót

Vảy nến tã lót là thể bệnh đặc trưng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thực chất, thuật ngữ này được sử dụng để chỉ đến vảy nến xuất hiện ở vùng da mang tã, bao gồm vùng bẹn, cơ quan sinh dục và vùng mông. Nguyên nhân gây vảy nến được xác định là do ma sát giữa tã và da kích thích gen gây bệnh. Kết quả là khiến da bị viêm và tăng sinh tế bào thượng bì.

4. Vảy nến thể mủ ở trẻ sơ sinh

Vẩy nến thể mủ ở trẻ sơ sinh là thể bệnh hiếm gặp và có mức độ nặng hơn so với các thể khác. Thể bệnh này đặc trưng bởi sự xuất hiện của các mụn mủ nổi chi chít với đường kình từ 1 - 2mm, hoàn toàn vô khuẩn. Mụn mủ có thể nổi khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc xuất hiện toàn thân.

Khác với những thể vảy nến thường gặp, vảy nến thể mủ có thể đi kèm với một số triệu chứng khác như mệt mỏi, sốt cao, có cảm giác rát bỏng và nổi hạch bẹn. Nếu không xử lý sớm và đúng cách, bệnh có thể chuyển biến nặng và dẫn đến chứng đỏ da toàn thân.

5. Vảy nến đảo ngược

Vảy nến đảo ngược gặp nhiều ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn so với người lớn. Thể bệnh này ảnh hưởng chủ yếu ở những vùng có nếp kẽ như bẹn, mông, rốn, nếp gấp dưới ngực và nách. Vảy nến thể đảo ngược là các mảng đỏ lớn, lan ra ngoài vị trí kẽ, có vảy nhưng ẩm dính, đôi khi có vết nứt và trợt da.

6. Vảy nến móng tay

Vảy nến móng tay là tình trạng bệnh ảnh hưởng đến vùng da dưới móng. Sau một thời gian, móng bị ảnh hưởng trở nên giòn, dày sừng, đổi màu (thường có màu trắng đục hoặc vàng), dễ gãy hoặc thậm chí là mất móng.

Nếu không chú ý, phụ huynh dễ nhầm lẫn vảy nến móng tay với nấm móng. Tuy nhiên khi quan sát kỹ, vảy nến móng tay thường khiến móng dày hơn bình thường, bên dưới có hiện tượng tăng sinh tế bào sừng. Dù không nguy hiểm nhưng vảy nến móng tay có thể gây biến dạng móng hoặc mất móng.

7. Vảy nến da đầu ở trẻ sơ sinh

Vảy nến da đầu là thể lâm sàng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Triệu chứng điển hình của bệnh là tình trạng da đầu xuất hiện các mảng phát ban có màu hồng hoặc đỏ với hình dáng và kích thước không đồng nhất. Bề mặt vùng tổn thương xuất hiện nhiều vảy trắng mỏng, dễ bong và chân tóc xuyên qua các vảy bong.

Vảy nến da đầu ở trẻ sơ sinh dễ bị nhầm lẫn với viêm da dầu ở đầu. Tuy nhiên, vảy nến thường không gây ngứa, vảy bong không, có màu trắng hoặc bạc. Trong khi đó, viêm da dầu biểu hiện là các vảy da ẩm dính trên nền da đỏ, ngứa ít và đôi khi gây đỏ rát.

8. Vảy nến thể đỏ da toàn thân

Vảy nến thể đỏ da toàn thân là thể bệnh nặng, gặp ở 1% bệnh nhân. So với người lớn, trẻ em dễ bị thể bệnh này hơn do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh. Trẻ mắc thể đỏ da toàn thân có những triệu chứng như vùng da toàn thân đỏ tươi, phù nề, bóng và gần như không còn vùng nào lành.

Bề mặt da rớm dịch, có phủ vảy ẩm dính như mỡ, giữa các nếp gấp bị trợt loét, đau rát, nứt nẻ và ngứa dữ dội. Ngoài ra, trẻ còn bị rối loạn tiêu hóa, rét run, sốt cao và dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn cơ hội. Dù không phổ biến nhưng đã có trường hợp tử vong do suy kiệt vì không điều trị bệnh kịp thời và đúng cách.

Nguyên nhân gây vảy nến ở trẻ sơ sinh

Tương tự vảy nến ở người trưởng thành, nguyên nhân chính gây ra vảy nến ở trẻ sơ sinh vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy, gen gây ra bệnh lý này nằm trên nhiễm sắc thể số 6. Khi có yếu tố khởi động, gen gây bệnh bị kích hoạt, dẫn đến tăng hoạt tính của tế bào lympho và gây rối loạn quá trình sản xuất tế bào sừng. Kết quả là khiến da xuất hiện các mảng hoặc đốm phát ban với bề mặt là các vảy bong màu trắng bạc hoặc trắng như nến, đôi khi gây ngứa.

Dù chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng vẩy nến ở trẻ sơ sinh được xác định có liên quan đến:

  • Bất thường về gen ở nhiễm sắc thể số 6
  • Yếu tố gia đình (nguy cơ mắc bệnh tăng lên khi cha/ mẹ có tiền sử bị vảy nến)

Vảy nến ở trẻ sơ sinh có thể tự bùng phát hoặc bị kích thích bởi những yếu tố như:

  • Nhiễm khuẩn (viêm tai giữa, viêm họng và viêm amidan)
  • Vết tiêm ngừa
  • Do ảnh hưởng của một số loại thuốc
  • Chấn thương cơ học (té ngã, ma sát, tỳ đè mạnh lên da)
  • Thời tiết lạnh
  • Tâm lý căng thẳng do mất ngủ, khó ngủ

Vảy nến ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Vảy nến là bệnh ngoài da khá phổ biến, nổi bật với tính chất dai dẳng, mãn tính và dễ tái phát. Cơ chế gây bệnh liên quan mật thiết đến bất thường về gen ở nhiễm sắc thể số 6. Kết quả là gây rối loạn quá trình chu chuyển tế bào thượng bì và làm tổn thương da, đồng thời tăng sinh quá mức tế bào sừng.

Đa phần các trường hợp bị vảy nến đều không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Ảnh hưởng thường gặp nhất của bệnh lý này là tác động tiêu cực đến ngoại hình, tâm lý và chất lượng cuộc sống. Ở trẻ sơ sinh, bệnh có thể gây ngứa ngáy khiến trẻ mất ngủ, mệt mỏi và chán ăn.

Rất ít trường hợp vảy nến ở trẻ sơ sinh đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên vì bệnh ảnh hưởng đến thượng bì da nên nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách, da dễ bị thâm nhiễm và nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm men. Vì vậy, phụ huynh không nên chủ quan khi nhận thấy các triệu chứng bất thường ở con trẻ.

Chẩn đoán bệnh vảy nến ở trẻ sơ sinh

Bệnh vảy nến ở trẻ sơ sinh rất dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề da liễu khác. Hơn nữa, vảy nến là bệnh khá ít gặp ở trẻ dưới 10 tuổi. Vì vậy trước khi điều trị, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán sau:

  • Thăm khám lâm sàng: Vảy nến ở trẻ sơ sinh được chẩn đoán xác định thông qua tổn thương cơ bản, mô bệnh học, vị trí hoặc phương pháp cạo vảy Brocq, dấu hiệu Koebner.
  • Chẩn đoán phân biệt: Đối với những trường hợp không có triệu chứng điển hình, bác sĩ sẽ thực hiện chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng tương tự như bệnh chàm, á sừng liên cầu, á vảy nến và vảy phấn hồng Gibert.

Điều trị vảy nến ở trẻ sơ sinh bằng cách nào?

dieu-tri-vay-nen-tre-so-sinh
điều trị bệnh vảy nến ở trẻ em

Trẻ sơ sinh là đối tượng nhạy cảm nên không thể sử dụng một số loại thuốc điều trị vảy nến. Vì vậy đối với trẻ sơ sinh, điều trị chủ yếu là các phương pháp không dùng thuốc kết hợp với sử dụng một số loại thuốc an toàn được bác sĩ chỉ định.

1. Các phương pháp không dùng thuốc

Các phương pháp không dùng thuốc được ưu tiên khi điều trị vảy nến cho trẻ sơ sinh. Hầu hết các phương pháp này đều có độ an toàn cao và có thể áp dụng lâu dài. Phụ huynh có thể thực hiện một số phương pháp không dùng thuốc nhằm kiểm soát bệnh vảy nến ở con trẻ như:

  • Cách ly với các yếu tố khởi phát bệnh: Gen gây bệnh vảy nến chỉ bị kích hoạt và khởi phát bệnh khi có một số yếu tố như chấn thương cơ học (ma sát, tỳ đè), nhiễm khuẩn (chủ yếu do liên cầu),... Khi có những yếu tố này, vảy nến có thể bùng phát hoặc chuyển biến nghiêm trọng hơn.
  • Dưỡng ẩm: Đa phần các trường hợp vảy nến ở trẻ sơ sinh đều không gây ngứa ngáy nhiều mà chủ yếu gây đỏ và bong vảy da. Để giảm tình trạng da bong vảy, phụ huynh nên tắm cho trẻ bằng nước ấm và sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên. Với da đầu, nên sử dụng dầu gội có bổ sung chất giữ ẩm để giảm triệu chứng của bệnh.
  • Tắm nắng: Tắm nắng là biện pháp điều trị vảy nến an toàn và mang lại hiệu quả tương đối cao. Tác động từ vitamin D và tia UV trong ánh nắng có khả năng điều biến miễn dịch và giảm bất thường trong quá trình sản xuất tế bào biểu bì. Thực tế cho thấy, tắm nắng giúp giảm tốc độ sản xuất vảy bong và cải thiện hiện tượng viêm đáng kể. Tuy nhiên, phụ huynh cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi áp dụng phương pháp này cho trẻ sơ sinh để tránh các rủi ro và tác dụng không mong muốn.

2. Điều trị y tế

Đối với trường hợp vẩy nến nặng hoặc trong giai đoạn bệnh bùng phát mạnh, bác sĩ có thể cân nhắc và chỉ định một số phương pháp y tế như:

  • Quang trị liệu (liệu pháp ánh sáng)
  • Sử dụng thuốc (chủ yếu là thuốc bôi chứa corticoid hoặc dẫn xuất của vitamin D)
  • Dùng một số loại kem bôi hỗ trợ điều trị vảy nến chứa dầu dừa, yến mạch, bơ hạt mỡ,...

Hầu hết các phương pháp y tế đều tiềm ẩn không ít rủi ro. Do đó, phụ huynh chỉ nên sử dụng cho con trẻ khi có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, cần tránh tình trạng lạm dụng thuốc quá mức khiến trẻ gặp các tác dụng ngoại ý.

Một số lưu ý khi điều trị vảy nến cho trẻ sơ sinh

Vì là đối tượng nhạy cảm nên khi điều trị vảy nến cho trẻ sơ sinh, phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:

  • Không tự ý dùng thuốc cho bé - kể cả thuốc Đông y và các sản phẩm được quảng cáo là thuốc gia truyền. Để có hướng điều trị an toàn, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa.
  • Tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc. Không lạm dụng và tự ý hiệu chỉnh liều lượng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
  • Chú ý các biểu hiện của trẻ trong thời gian điều trị và thông báo ngay với nhân viên y tế nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường như phát ban, nổi mề đay, trẻ bị sưng họng, mí mắt, có dấu hiệu khó thở,...
  • Song song với phương pháp y tế, cần chăm sóc trẻ đúng cách để kiểm soát triệu chứng và giảm nguy cơ bệnh tái phát. Nếu không kết hợp với lối sống khoa học, bệnh có thể tiến triển dai dẳng hoặc thậm chí bùng phát mạnh dẫn đến biến chứng đỏ da toàn thân.
  • Hạn chế để trẻ bị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Bởi liên cầu khuẩn - tác nhân chính gây viêm họng, viêm amidan,... được cho là vai trò trong cơ chế bệnh sinh.
  • Vảy nến thể giọt có thể phát triển từ vết tiêm ngừa. Vì vậy sau khi cho trẻ tiêm vaccine, phụ huynh cần chú ý triệu chứng toàn thân và tại chỗ của con trẻ. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, nên thông báo ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời.

Vảy nến ở trẻ sơ sinh ít gặp hơn so với trẻ em và người trưởng thành. Bệnh hiếm khi đe dọa đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống của bé. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám và tư vấn cụ thể về hướng điều trị, cách chăm sóc.

Câu hỏi thường gặp
  • Vảy nến thường không gây ngứa trong hầu hết các trường hợp.
  • Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể trải qua cảm giác ngứa, châm chích, hoặc bỏng rát.
  • Mức độ ngứa có thể dao động từ nhẹ đến nghiêm trọng.
  • Các yếu tố như căng thẳng, nhiễm trùng, hoặc kích ứng da có thể làm tăng cảm giác ngứa.
  • Điều trị vảy nến có thể giúp kiểm soát ngứa và các triệu chứng khác.

Nếu bạn đang gặp phải tình trạng ngứa do vảy nến, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.

Bệnh vảy nến, một căn bệnh mãn tính về da, không thể tự khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, với phương pháp điều trị phù hợp và lối sống lành mạnh, người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng, kéo dài thời gian thuyên giảm và cải thiện chất lượng cuộc sống.

  • Không thể tự khỏi: Vảy nến là bệnh tự miễn, không có cách chữa trị dứt điểm.
  • Kiểm soát triệu chứng: Điều trị giúp giảm viêm, ngứa, bong tróc da, cải thiện ngoại hình.
  • Thuyên giảm kéo dài: Tuân thủ điều trị và lối sống lành mạnh giúp giảm tần suất bùng phát.
  • Tìm hiểu thông tin chính xác: Tham khảo ý kiến bác sĩ để có phác đồ điều trị phù hợp.

Đừng để vảy nến ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Hãy tìm hiểu và chủ động kiểm soát bệnh ngay hôm nay!



Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Triệu chứng
Điều trị phòng ngừa

Danh sách Bác sĩ - Chuyên gia

Xem tất cả

Danh sách Cơ sở y tế

Xem tất cả