Viêm da tiếp xúc ở trẻ em là một bệnh lý da liễu phổ biến ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đặc trưng bởi các triệu chứng như ngứa, sưng đỏ, nóng rát, có mụn nước, đóng vảy ở vị trí tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng hoặc kích ứng. 

Viêm da tiếp xúc ở trẻ em là gì?

Viêm da tiếp xúc ở trẻ em là quá trình viêm gây tổn thương niêm mạc và bán niêm mạc da do tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng hoặc dị ứng. Rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là trẻ trong độ tuổi từ 0 - 3 tuổi.

Viêm da tiếp xúc ở trẻ em xảy ra rất phổ biến
Viêm da tiếp xúc là một bệnh lý da liễu thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Có 2 loại viêm da tiếp xúc phổ biến nhất ở trẻ em gồm:

  • Viêm da tiếp xúc kích ứng (ICD): Xảy ra do tiếp xúc với các tác nhân kích ứng, gây ra tác động trực tiếp lên lớp sừng, dẫn đến hoạt hóa tế bào, gây ra phản ứng viêm. 
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng (ACD): Là phản ứng dị ứng của da, xảy ra khi tác nhân dị ứng xâm nhập, kích hoạt hệ thống miễn dịch, gây giải phóng nhiều cytokine, dẫn đến xuất hiện phản ứng viêm, gây tổn thương cho da. Chiếm tỷ lệ 13.3 - 24.5% ở trẻ nhỏ, phát triển ở trẻ có cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng. 

Triệu chứng viêm da tiếp xúc ở trẻ em 

Viêm da tiếp xúc ở trẻ em rất phổ biến, thường gặp là viêm da tiếp xúc kích ứng. Thông thường, triệu chứng viêm da tiếp xúc ở trẻ em xuất hiện ở các vùng da tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng hoặc dị ứng. Biểu hiện của mỗi trẻ là không giống nhau và dễ nhầm lẫn với các vấn đề về da khác như chàm sữa, hăm tã...

Hình ảnh triệu chứng viêm da tiếp xúc ở trẻ em
Hình ảnh triệu chứng viêm da tiếp xúc ở trẻ em

Triệu chứng viêm da tiếp xúc kích ứng

Các triệu chứng viêm da tiếp xúc kích ứng xuất hiện ngay lập tức, hoặc sau khi tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng vài giờ. Triệu chứng viêm da tiếp xúc kích ứng như sau:

  • Da đỏ, nóng, rát hoặc sưng nhẹ
  • Đau nhiều hơn là ngứa
  • Vùng tổn thương giới hạn 
  • Có thể xuất hiện mụn nước nhỏ li ti 
  • Bề mặt da hình thành lớp sừng dày
  • Phù nề, phồng rộp trên da
  • Da khô, đóng vảy, dần bong tróc gây ngứa ngáy.

Triệu chứng viêm da tiếp xúc dị ứng

Triệu chứng thường xuất hiện sau khi tiếp xúc với chất dị ứng vài giờ, có liên quan đến hệ thống miễn dịch. Vị trí thường gặp là mặt, bàn tay, bàn chân và chân. Các triệu chứng như sau:

  • Cảm giác ngứa nhiều hơn là đau
  • Xuất hiện các ban đỏ hoặc mảng da đỏ
  • Vùng tổn thương có thể lan rộng 
  • Nổi mụn nước nhỏ, có thể chứa dịch và dễ vỡ
  • Da bị sưng, nóng rát, trường hợp nặng có mụn nước lớn hoặc phồng rộp
  • Da khô, tróc vẩy, gây ngứa, trẻ quấy nhiều, hay cào gãi...

Nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc ở trẻ em

Nguyên nhân chính gây viêm da tiếp xúc ở trẻ em là do tác nhân gây kích ứng hoặc dị ứng. Tình trạng này chủ yếu đến từ việc da trẻ còn non nớt, lớp sừng mỏng hơn da người lớn, các lớp biểu bì da chưa hoàn thiện. Trẻ hấp thụ các chất tiếp xúc cao hơn người lớn vì thế dễ bị kích ứng, dị ứng hơn. 

Các nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc ở trẻ em gồm:

1. Chất gây kích ứng

Viêm da tiếp xúc ở trẻ sơ sinh rất dễ nhầm lẫn với hăm tã, đôi khi cũng được xem là hăm tã. Xảy ra do độ ẩm của tã, kết hợp với các yếu tố như sự phát triển của vi khuẩn, nấm Candida albicans, chất bảo quản, chất khử mùi gây ra. 

Ngoài hóa chất trong tã, các chất gây kích ứng khác ở trẻ có thể kể đến như:

  • Xà phòng và chất tẩy rửa
  • Kem, sản phẩm chăm sóc da chứa hóa chất
  • Nước bọt do mọc răng, gặm nướu, dùng ti giả
  • Quần áo vải thô, vải tổng hợp hoặc được giặt bằng hóa chất mạnh
  • Các hạt thức ăn chưa tiêu hóa gây kích ứng cơ học quanh hậu môn
  • Tiếp xúc với dịch tiết, độc tố từ côn trùng như kiến ba khoang

2. Chất gây dị ứng 

Viêm da tiếp xúc dị ứng thường xảy ra ở trẻ có cơ địa dị ứng. Mặc dù không phổ biến bằng viêm da tiếp xúc kích ứng, nhưng lại có mức độ nghiêm trọng cao. Đặc biệt, loại viêm da này ngày càng có xu hướng gia tăng. 

Các tác nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng ở trẻ em: 

  • Kim loại: Thường là Niken có trong khuy áo, khóa kéo, trang sức, đồ chơi
  • Cao su (latex): Có trong ti giả, đồ chơi làm từ cao su, giày dép...
  • Nước hoa, chất tạo mùi: Có trong dầu gội, sữa tắm, kem dưỡng da, dầu em bé.
  • Hương liệu, chất tạo màu, chất bảo quản: Có trong mỹ phẩm, kem chống hăm, kem chống nắng, các loại kem bôi ngoài da... 

Theo nghiên cứu, các chất có trong mỹ phẩm, sản phẩm hoặc thuốc bôi ngoài da có thể gây viêm da dị ứng gồm lanolin, neomycin, glyxerin, propylen glycol, diazolidinyl ure... 

3. Yếu tố môi trường 

Viêm da tiếp xúc ở trẻ em có thể liên quan đến yếu tố môi trường. Bao gồm:

  • Khí hậu lạnh, khô hoặc nóng ẩm 
  • Môi trường sống ô nhiễm 

Trẻ chơi ngoài trời có thể bị viêm da do tiếp xúc với hóa chất hoặc độc tố lây qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp. 

Viêm da tiếp xúc ở trẻ em có nguy hiểm không?

Viêm da tiếp xúc ở trẻ em không chỉ khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu, thường xuyên quấy khóc. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, thế nhưng trẻ mắc viêm da tiếp xúc rất dễ gặp phải nhiều biến chứng.

Viêm da tiếp xúc ở trẻ em nếu không điều trị có thể gây chàm hóa
Viêm da tiếp xúc ở trẻ em nếu không điều trị có thể gây chàm hóa

Các biến chứng của viêm da tiếp xúc ở trẻ em:

  • Nhiễm trùng da: Trẻ cào, gãi khi ngứa làm trầy xước hoặc vỡ mụn nước, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Dấu hiệu dấu trùng gồm da nóng đỏ, sưng đau, có mụn mủ, chảy dịch, sốt nhẹ... 
  • Chàm hóa da: Viêm da tiếp xúc kéo dài khiến da bị sừng hóa, khô, tróc vảy, dẫn đến chàm hóa với các biểu hiện như da khô, ngứa dữ dội. 
  • Sẹo vĩnh viễn: Việc trẻ cào gãi liên tục khiến da tổn thương sâu, có thể gây ra thâm, sẹo vĩnh viễn, gây mất thẩm mỹ. 
  • Rối loạn sắc tố da: Viêm da kéo dài dễ làm thay đổi sắc tố da, khiến da sậm màu hoặc nhạt màu hơn, kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
  • Dị ứng mãn tính: Viêm da tiếp xúc dị ứng dễ phát triển thành mãn tính, thường tái phát khi trẻ tiếp xúc với chất gây dị ứng khi lớn lên. 

Viêm da tiếp xúc ở trẻ sơ sinh khiến trẻ quấy khóc, khó ngủ và cáu kỉnh hơn. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, đồng thời cũng khiến bố mẹ vất vả hơn trong việc chăm sóc trẻ. 

Chẩn đoán viêm da tiếp xúc ở trẻ em

Trẻ nghi ngờ mắc viêm da tiếp xúc sẽ được kiểm tra, tìm hiểu bệnh sử, thăm khám lâm sàng, đôi khi thực hiện một số xét nghiệm (nếu cần) để đưa ra chẩn đoán chính xác. Việc chẩn đoán thường được thực hiện bởi bác sĩ da liễu.

Phương pháp chẩn đoán viêm da tiếp xúc ở trẻ như sau:

  • Khai thác bệnh sử: Tiền sử tiếp xúc với chất gây kích ứng hoặc dị ứng; tiền sử dị ứng hoặc mắc bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng; thời điểm khởi phát triệu chứng. 
  • Thăm khám lâm sàng: Quan sát triệu chứng trên da, vị trí tổn thương và đánh giá mức độ tổn thương. 
  • Xét nghiệm (nếu cần): Test áp da (Patch test), test dị ứng da (skin prick test)...

Phòng ngừa viêm da tiếp xúc ở trẻ em 

Viêm da tiếp xúc ở trẻ em rất phổ biến, dễ gặp và dễ tái phát. Vì vậy, phụ huynh nên chủ động phòng ngừa bằng cách xác định và loại bỏ các tác nhân gây kích ứng, dị ứng cho trẻ. 

Cách phòng ngừa viêm da tiếp xúc ở trẻ như sau:

  • Thận trọng trong việc lựa chọn tã, quần áo, dầu gội, đồ chơi, sản phẩm chăm sóc da cho trẻ.
  • Khi sử dụng sản phẩm mới cho bé, nên test thử phản ứng ở một vùng da nhỏ trước. 
  • Tắm cho trẻ bằng nước ấm, độ ấm vừa phải, sử dụng xà phòng dịu nhẹ, không tắm quá lâu. 
  • Thường xuyên dưỡng ẩm cho da, giữ cho da trẻ, nhất là những vùng dễ ẩm ướt được khô thoáng, sạch sẽ. 
  • Chọn quần áo được làm từ sợi thiên nhiên, tránh xa các loại quần áo làm từ chất liệu tổng hợp, vải hoặc đường chỉ thô ráp. 
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân đối, tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng. 
  • Hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh bằng cách rửa tay, không chạm tay vào mũi, miệng, mắt. 
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm đối với phòng điều hòa hoặc khi thời tiết hanh khô. 

Trẻ bị viêm da tiếp xúc khi nào cần gặp bác sĩ?

Viêm da tiếp xúc mặc dù không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ. Các trường hợp viêm da mức độ nhẹ, bố mẹ có thể tự chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu bé bị viêm da nặng, tốt nhất phụ huynh nên đưa con đến bác sĩ để được khám và điều trị.

Nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi vùng da viêm sưng đỏ, đau rát trẻ quấy khóc nhiều
Nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi vùng da viêm sưng đỏ, đau rát trẻ quấy khóc nhiều

Trẻ mắc viêm da tiếp xúc cần được gặp bác sĩ khi: 

  • Da trẻ xuất hiện nhiều ban đỏ, mẩn đỏ, có xu hướng lan rộng
  • Triệu chứng quanh mắt hoặc bộ phận sinh dục
  • Trẻ ngứa nhiều, thường xuyên quấy khóc, sau 2 - 3 ngày không có dấu hiệu cải thiện
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng, đau, nóng, có mụn nước lớn, có mủ hoặc rỉ dịch, trẻ bị sốt, người lừ đừ, mệt mỏi
  • Trẻ cọ xát, cào gãi quá mức vào vùng da bị viêm 
  • Có phản ứng dị ứng như khó thở, sưng mặt, chóng mặt hoặc ngất
  • Trẻ không thể ngủ được hoặc không hứng thú với hoạt động vui chơi
  • Trẻ bị viêm da không rõ nguyên nhân hoặc có bệnh lý nền... 

Điều trị viêm da tiếp xúc ở trẻ em 

Việc điều trị viêm da tiếp xúc ở trẻ em sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, triệu chứng, mức độ tổn thương, sức khỏe tổng quát của trẻ. Trẻ cần được điều trị càng sớm càng tốt để giảm khó chịu và tăng hiệu quả phục hồi. 

1. Xác định và loại bỏ tác gây bệnh

Viêm da tiếp xúc ở trẻ em chỉ được cải thiện khi trẻ ngưng tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Vì thế, chúng ta cần:

  • Xác định và ngừng cho trẻ tiếp xúc với chất gây kích ứng hoặc dị ứng
  • Rửa sạch da trẻ bằng xà phòng dịu nhẹ và nước ngay khi tiếp xúc
  • Dùng khăn sạch, khô lau trên da để làm giảm triệu chứng
  • Sử dụng băng ướt cho các vùng da bị rỉ dịch 

2. Sử dụng thuốc điều trị 

Tùy vào độ tuổi và tình trạng của trẻ mà bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ dùng loại thuốc điều trị phù hợp. Các thuốc này thường là:

  • Kem hoặc thuốc mỡ corticosteroid bôi ngoài da
  • Thuốc kháng histamin dạng viên hoặc dạng lỏng
  • Thuốc kháng sinh đối với trường hợp nhiễm trùng

3. Chăm sóc tại nhà 

Chăm sóc tại nhà đúng cách có vai trò rất quan trọng trong quá trình hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa tái phát. Gợi ý cách chăm sóc trẻ bị viêm da tiếp xúc tại nhà:

  • Giữ sạch da cho trẻ bằng cách tắm nước ấm, dùng xà phòng dịu nhẹ, không chứa hương liệu
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc lotion cho da nhạy cảm, dùng 1 - 2 lần/ngày
  • Dặn dò trẻ không gãi, cắt ngắn móng tay, dùng găng tay để hạn chế trẻ gãi
  • Chọn tã chất lượng, thoáng khí, chọn quần áo mềm mại, thoáng mát, phù hợp với da trẻ
  • Tránh sử dụng sản phẩm chăm sóc da có chứa hương liệu, hóa chất 
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng điều hòa 
  • Tích cực cho trẻ bú (đối với trẻ nhỏ) hoặc uống đủ nước (với trẻ lớn) để tăng cường sức khỏe
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết
  • Với trẻ có cơ địa dị ứng, cần thận trọng khi cho trẻ ăn các thực phẩm như đậu phộng, hải sản, trứng... 

Viêm da tiếp xúc ở trẻ em là tình trạng phổ biến, thường xảy ra. Mặc dù không gây nguy hiểm, tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh lại khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu. Vì thế, khi trẻ có dấu hiệu viêm da tiếp xúc, phụ huynh nên trao đổi với bác sĩ da liễu để được tư vấn và hỗ trợ. 

Tham khảo thêm: 

Câu hỏi thường gặp
Với thắc mắc "viêm da tiếp xúc có để lại sẹo không?", các chuyên gia cho biết, thông thường, viêm da tiếp xúc mức độ nhẹ không để lại sẹo. Trong khi đó, viêm da tiếp xúc với mức độ tổn thương nghiêm trọng, kết hợp cùng yếu tố như cơ địa, phương pháp điều trị, chăm sóc không phù...
Viêm da tiếp xúc là tình trạng viêm da xảy ra do tiếp xúc với các chất gây kích ứng hoặc dị ứng, thường gây ngứa, đỏ và sưng. Việc xác định viêm da tiếp xúc có lây không, có lan sang vùng da khác không rất quan trọng để có kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe...


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Triệu chứng
Điều trị phòng ngừa

Danh sách Bác sĩ - Chuyên gia

Xem tất cả

Danh sách Cơ sở y tế

Xem tất cả