Đau dạ dày cấp – một tình trạng viêm hoặc kích ứng niêm mạc dạ dày xảy ra đột ngột, có thể gây ra những cơn đau dữ dội và ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe. Việc nhận biết sớm và điều trị đúng cách là rất quan trọng để tránh các biến chứng nguy hiểm như loét hoặc xuất huyết tiêu hóa. Cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn các kiến thức liên quan về tình trạng này trong bài viết dưới đây.

Đau dạ dày cấp là gì?

Viêm dạ dày cấp là hiện tượng lớp niêm mạc dạ dày bị viêm nhiễm hoặc kích ứng bất ngờ, dẫn đến những cơn đau dữ dội và kéo dài. Khi tình trạng này xảy ra, hệ miễn dịch của cơ thể lập tức phản ứng bằng cách đưa các bạch cầu đến vùng bị tổn thương, từ đó gây ra viêm.

Ở mức độ nghiêm trọng, viêm dạ dày cấp có thể tiến triển thành tổn thương ăn mòn niêm mạc, hình thành các vết loét và gây xuất huyết nhỏ trong niêm mạc.

Rất nhiều người gặp tình trạng viêm dạ dày cấp
Rất nhiều người gặp tình trạng viêm dạ dày cấp

Triệu chứng điển hình khi bị đau dạ dày cấp

Một số dấu hiệu phổ biến khi bị đau dạ dày cấp bao gồm:

  • Đau thượng vị: Cảm giác đau nhói, nóng rát ở vùng trên rốn (vùng thượng vị). Cơn đau có thể xuất hiện ngay sau khi ăn hoặc khi đói.
  • Buồn nôn và nôn mửa: Người bệnh thường cảm thấy buồn nôn và có thể nôn ra thức ăn hoặc dịch chua từ dạ dày.
  • Chướng bụng: Bụng cảm thấy căng cứng, đầy hơi, khó chịu, đặc biệt sau khi ăn.
  • Khó tiêu: Cảm giác khó chịu, đầy bụng, không tiêu hóa được thức ăn.
  • Ợ hơi, ợ chua: Dịch vị axit trào ngược lên thực quản, gây ợ chua, ợ nóng và cảm giác nóng rát ở ngực.
  • Mất cảm giác thèm ăn: Người bệnh có thể cảm thấy no nhanh, không muốn ăn, dẫn đến sụt cân nếu tình trạng kéo dài.
  • Mệt mỏi, suy nhược: Cảm giác đau và khó tiêu có thể dẫn đến mệt mỏi, cơ thể suy nhược.
  • Phân đen: Xuất hiện khi có xuất huyết dạ dày, máu bị phân hủy trong đường tiêu hóa tạo ra phân có màu đen, mùi hôi tanh.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây đau dạ dày cấp có thể do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:

  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori: Vi khuẩn này là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét niêm mạc dạ dày, làm tổn thương và kích thích dạ dày.
  • Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Bao gồm ibuprofen hoặc aspirin khi sử dụng lâu dài hoặc không đúng cách có thể làm mòn lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm và loét.
  • Nhiễm độc thực phẩm: Ăn phải thực phẩm không an toàn hoặc bị nhiễm khuẩn làm niêm mạc dạ dày bị kích ứng và tổn thương, gây viêm dạ dày cấp tính.
  • Căng thẳng và stress kéo dài: Tình trạng căng thẳng quá mức làm tăng tiết axit dạ dày, từ đó gây tổn thương niêm mạc và dẫn đến đau dạ dày cấp.
  • Ăn uống không lành mạnh: Ăn quá nhiều đồ cay, nóng, chua hoặc thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, bỏ bữa, ăn không đúng giờ, ăn quá no đều có thể gây mất cân bằng axit dạ dày và gây đau.
  • Uống nhiều rượu và tiêu thụ chất kích thích: Rượu bia, dùng caffeine, hút thuốc lá,... gây tổn thương trực tiếp lên lớp niêm mạc dạ dày, làm tăng nguy cơ viêm loét.

Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm dạ dày cấp
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm dạ dày cấp

Đau dạ dày cấp nguy hiểm không?

Đau dạ dày cấp mặc dù thường là tình trạng tạm thời, nhưng có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời. 

Những biến chứng nguy hiểm người bệnh có thể gặp bao gồm:

  • Xuất huyết dạ dày: Viêm loét dạ dày nặng có thể gây chảy máu trong dạ dày, nếu kéo dài sẽ dẫn đến thiếu máu, thậm chí sốc mất máu, đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
  • Thủng dạ dày: Đây là biến chứng nghiêm trọng, xảy ra khi vết loét ăn sâu vào thành dạ dày, tạo ra lỗ thủng. Dịch vị và thức ăn tràn ra ổ bụng gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng nặng dẫn đến tử vong nếu không phẫu thuật khẩn cấp.
  • Hẹp môn vị: Viêm loét lành tính gây sẹo, làm hẹp môn vị (lối ra của dạ dày), gây khó khăn cho thức ăn di chuyển xuống ruột non, dẫn đến nôn mửa, sụt cân, suy dinh dưỡng.
  • Chuyển thành viêm mãn tính: Nếu không được điều trị đúng cách, đau dạ dày cấp có thể phát triển thành viêm dạ dày mãn tính, làm tăng nguy cơ loét hoặc ung thư dạ dày.

Chẩn đoán đau dạ dày cấp

Phương pháp chẩn đoán đau dạ dày cấp thường bao gồm các bước sau đây để xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh:

Khám lâm sàng:

  • Bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng, thời gian khởi phát, vị trí đau, các yếu tố làm tăng hoặc giảm đau và thói quen ăn uống.
  • Kiểm tra vùng bụng để xác định vị trí đau, độ nhạy cảm và các dấu hiệu bất thường khác.

Khám cận lâm sàng:

  • Test thở ure: Phát hiện vi khuẩn HP bằng cách đo lượng khí CO2 trong hơi thở sau khi uống dung dịch ure.
  • Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu giúp xác định sự hiện diện của nhiễm trùng, mức độ viêm và các chỉ số chức năng gan, thận.
  • Xét nghiệm phân: Kiểm tra mẫu phân giúp phát hiện vi khuẩn Helicobacter pylori hoặc các chất bất thường khác.
  • Nội soi dạ dày: Nội soi cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp niêm mạc dạ dày, phát hiện các tổn thương như viêm, loét, xuất huyết,... và lấy mẫu sinh thiết (nếu cần) để xét nghiệm.
  • Siêu âm ổ bụng: Siêu âm có thể được sử dụng để kiểm tra cấu trúc của dạ dày và các cơ quan lân cận, giúp phát hiện các vấn đề như sỏi mật hoặc viêm tụy.
  • Chụp X-quang dạ dày: Phương pháp này giúp hình ảnh hóa dạ dày và thực quản sau khi bệnh nhân uống dung dịch barium. Nó có thể phát hiện các dị tật hoặc tổn thương trong niêm mạc.
  • CT scan bụng: Chụp cắt lớp vi tính cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về dạ dày và các cơ quan lân cận, giúp bác sĩ đánh giá tình trạng tổn thương hoặc viêm.

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán bệnh chuẩn xác
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán bệnh chuẩn xác

Đối tượng nguy cơ bị đau dạ dày cấp cao

Dưới đây là những đối tượng có nguy cơ cao bị đau dạ dày cấp:

  • Người thường xuyên sử dụng một số loại thuốc Corticosteroid hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs).
  • Người có lối sống không lành mạnh như lạm dụng rượu bia, hút thuốc, căng thẳng kéo dài.
  • Thường xuyên ăn đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, ăn quá no, ăn đêm,...
  • Những người có tiền sử gia đình có người bị bệnh dạ dày.
  • Người mắc các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, suy thận, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,...
  • Người từng phẫu thuật dạ dày có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa sau phẫu thuật.

Biện pháp chăm sóc, phòng ngừa bệnh

Bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa đau dạ dày cấp bằng cách áp dụng những hướng dẫn sau đây:

Chế độ ăn uống:

  • Tránh ăn quá nhiều đồ cay, nóng, chua, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ hoặc chiên rán.
  • Ăn uống đúng giờ, tránh bỏ bữa và ăn quá no.
  • Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày (4 - 5 bữa/ngày) để giảm áp lực lên dạ dày.
  • Đảm bảo thực phẩm được chế biến sạch sẽ, tránh ăn đồ ăn sống hoặc chưa nấu chín kỹ để phòng tránh nhiễm khuẩn, vi rút gây đau dạ dày cấp.

Lối sống lành mạnh:

  • Không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia tối đa.
  • Tập thể dục như đi bộ, bơi lội, đi xe đạp, tập yoga,... để thư giãn tinh thần, giảm stress căng thẳng.
  • Ngủ đủ giấc đảm bảo từ 7 - 8 tiếng mỗi đêm để cơ thể phục hồi tốt nhất.
  • Kiểm soát căng thẳng bằng các phương pháp như yoga, thiền, hít thở sâu hoặc tham gia hoạt động thể thao.
  • Vận động giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, giảm nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày.

Vận động giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày
Vận động giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh nhân nên đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức nếu:

  • Đau bụng dữ dội và kéo dài: Cơn đau không thuyên giảm sau vài giờ hoặc ngày, kèm theo các triệu chứng khác như sốt, nôn mửa,...
  • Nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen: Đây là dấu hiệu của xuất huyết dạ dày, cần được cấp cứu ngay.
  • Các triệu chứng nghiêm trọng hơn: Đau tăng lên, buồn nôn và nôn nhiều, mệt mỏi, choáng váng,...
  • Nghi ngờ thủng dạ dày: Đau bụng dữ dội đột ngột, lan ra khắp bụng, bụng cứng, sốt cao,...

Phương pháp chữa hiệu quả đau dạ dày cấp

Có nhiều phương pháp trị khác nhau được áp dụng trong điều trị chứng đau dạ dày cấp:

Sử dụng thuốc điều trị

Các loại thuốc thường được chỉ định cho trường hợp đau dạ dày cấp như sau: 

  • Thuốc kháng acid: Như antacid (maalox, phosphalugel,...) giúp trung hòa acid dịch vị, làm giảm triệu chứng ợ chua, ợ nóng, đau rát dạ dày.
  • Thuốc ức chế bơm proton: Phổ biến là lansoprazole, omeprazole, esomeprazole,... có tác dụng ức chế quá trình dạ dày tiết acid.
  • Thuốc kháng sinh: Được sử dụng trong trường hợp đau dạ dày cấp do nhiễm khuẩn HP. Phác đồ điều trị thường kết hợp 2 loại kháng sinh trở lên (như amoxicillin, clarithromycin, metronidazole,...) cùng với PPI.
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc bao tử: Như bismuth subsalicylate, sucralfate,... tạo lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày, giúp vết loét nhanh lành.
  • Thuốc giảm đau, chống nôn: Như paracetamol (giảm đau), metoclopramide (chống nôn),... giúp giảm triệu chứng do đau dạ dày cấp gây ra.

Có nhiều loại thuốc giúp trị đau dạ dày cấp
Có nhiều loại thuốc giúp trị đau dạ dày cấp

Phẫu thuật ngoại khoa

Khi các phương pháp nội khoa không hiệu quả hoặc bệnh nhân gặp biến chứng nặng, phẫu thuật sẽ được cân nhắc để ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng.

Các phương pháp phẫu thuật sẽ được chỉ định phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng đau dạ dày cấp như sau:

  • Phẫu thuật vá lỗ thủng dạ dày: Bác sĩ rạch một đường trên bụng để tiếp cận dạ dày, sau đó vá lỗ thủng bằng chỉ khâu hoặc miếng vá. Đồng thời, ổ bụng sẽ được làm sạch để loại bỏ dịch vị và thức ăn tràn ra ngoài ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Phẫu thuật cầm máu: Bác sĩ sẽ đưa dụng cụ nội soi qua miệng vào dạ dày để cầm máu bằng các kỹ thuật như tiêm xơ, kẹp clip, đốt điện,…
  • Phẫu thuật mở rộng môn vị: Bác sĩ sẽ cắt bỏ phần môn vị bị hẹp, sau đó nối lại dạ dày với tá tràng để thức ăn có thể di chuyển xuống ruột non.
  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày: Được chỉ định trong trường hợp đau dạ dày cấp do ung thư dạ dày, loét dạ dày nặng hoặc xuất huyết không kiểm soát được bằng các phương pháp khác.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích về đau dạ dày cấp. Hãy chủ động thực hành các biện pháp phòng ngừa và đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào.



Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Triệu chứng
Điều trị phòng ngừa

Danh sách Bác sĩ - Chuyên gia

Xem tất cả

Danh sách Cơ sở y tế

Xem tất cả