Trào ngược dạ dày ở trẻ em là một vấn đề tiêu hóa phổ biến, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như nôn trớ, ợ nóng, quấy khóc,… Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về tình trạng này, bao gồm nguyên nhân, triệu chứng, các phương pháp chẩn đoán và điều trị. Từ đó giúp cha mẹ hiểu rõ hơn và có biện pháp chăm sóc trẻ hiệu quả.

Trào ngược dạ dày ở trẻ em là bệnh gì?

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em xảy ra khi thức ăn và axit trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản, gây nhiều triệu chứng khó chịu. Đây là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi.

Hiện nay y học phân chia trào ngược dạ dày ở trẻ em thành 2 loại như sau:

  • Trào ngược dạ dày sinh lý (GER): Đây là dạng trào ngược phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Triệu chứng thường nhẹ, thường tự khỏi khi trẻ lớn lên, khoảng 12 - 18 tháng tuổi.
  • Trào ngược dạ dày bệnh lý (GERD): Đây là dạng trào ngược dạ dày nghiêm trọng hơn, có thể gây ra biến chứng và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. GERD cần được điều trị và theo dõi y tế cẩn thận.

Trào ngược dạ dày thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi
Trào ngược dạ dày thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi

Triệu chứng điển hình

Những triệu chứng trào ngược dạ dày thường gặp ở trẻ em bao gồm:

  • Nôn trớ thường xuyên: Trẻ thường xuyên nôn trớ, đặc biệt sau khi ăn hoặc bú là dấu hiệu điển hình của trào ngược dạ dày.
  • Ợ hơi hoặc ợ nóng: Trẻ có thể có biểu hiện ợ hơi, ợ nóng, khiến trẻ cảm thấy khó chịu và khóc nhiều.
  • Khó ăn, bỏ bú: Trẻ có thể cảm thấy khó chịu khi bú hoặc ăn, dẫn đến chán ăn, bỏ bú, quấy khóc khi được cho ăn.
  • Thở khò khè hoặc ho kéo dài: Dịch axit từ dạ dày trào ngược lên có thể kích thích niêm mạc họng, gây ho kéo dài hoặc thở khò khè, nhất là sau khi ăn.
  • Trớ sữa hoặc thức ăn mùi chua: Khi nôn trớ, trẻ có thể nôn ra thức ăn hoặc sữa với mùi axit hoặc chua do dịch vị dạ dày.
  • Khó ngủ: Trẻ bị trào ngược thường khó ngủ hoặc hay tỉnh giấc giữa đêm do cảm giác khó chịu trong dạ dày và thực quản.
  • Cáu gắt, quấy khóc: Trẻ thường cảm thấy khó chịu, đau rát ở thực quản, dẫn đến việc cáu gắt và quấy khóc thường xuyên.

Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày ở trẻ em

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gây trào ngược dạ dày ở trẻ em như sau:

Nguyên nhân sinh lý:

  • Cơ vòng thực quản dưới chưa hoàn thiện: Ở trẻ sơ sinh, cơ vòng giữa thực quản và dạ dày còn yếu, dễ mở ra khiến axit và thức ăn trào ngược lên thực quản.
  • Dạ dày nhỏ và nằm ngang: Dạ dày của trẻ nhỏ nằm ngang hơn so với người lớn và có dung tích nhỏ nên thức ăn dễ bị đẩy ngược lên.
  • Thực quản ngắn: Thực quản của trẻ em ngắn hơn, khoảng cách từ dạ dày đến miệng ngắn hơn, khiến dịch vị dễ dàng trào ngược lên.
  • Ăn quá no: Cho trẻ ăn quá nhiều trong một lần, dạ dày bị căng quá mức, tăng áp lực lên cơ thắt thực quản dưới, gây trào ngược.
  • Dị ứng hoặc không dung nạp thức ăn: Một số trẻ có thể bị dị ứng hoặc không dung nạp với một số loại thức ăn (như sữa bò), gây triệu chứng trào ngược.
  • Nuốt khí khi bú: Trẻ có thể nuốt nhiều khí khi bú bình hoặc bú mẹ, làm tăng áp lực trong dạ dày và dễ dẫn đến tình trạng này.
  • Tư thế nằm: Trẻ nhỏ thường nằm nhiều, đặc biệt là sau khi ăn, làm tăng khả năng thức ăn bị đẩy ngược từ dạ dày lên thực quản.
  • Bị ép bụng: Mặc quần áo quá chật, bị bế xốc nảy sau khi ăn,... cũng có thể gây trào ngược.
  • Béo phì: Trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ trào ngược cao hơn do áp lực trong ổ bụng tăng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân bệnh lý:

  • Bệnh bẩm sinh: Trẻ mắc các bệnh như bại não, Down hoặc hở van tim thường có hệ thống cơ quan trong cơ thể yếu, bao gồm cả hệ tiêu hóa.
  • Bệnh lý tiêu hóa: Những bệnh như thoát vị cơ hoành, sa dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng,... đều làm suy yếu cơ thắt thực quản dưới khiến dịch vị axit trào ngược lên thực quản.
  • Bệnh tác động đến chức năng tiêu hóa: Các bệnh liên quan đến nhiễm trùng, dị ứng hoặc kích ứng làm giảm hiệu quả hoạt động của hệ tiêu hóa, kích thích trào ngược ở trẻ nhỏ.

Trào ngược dạ dày ở trẻ em nguy hiểm không?

Trào ngược dạ dày ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ sơ sinh do nguyên nhân sinh lý thường không nguy hiểm. Những trường hợp này sẽ tự khỏi khi trẻ lớn lên. 

Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài do nguyên nhân bệnh lý có thể gây nguy hiểm và cần được điều trị kịp thời. Dưới đây là biến chứng tiềm ẩn trẻ phải đổi diện như:

  • Viêm thực quản: Axit dạ dày trào ngược có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm thực quản, loét hoặc hẹp thực quản, dẫn đến khó nuốt và đau khi ăn.
  • Suy dinh dưỡng: Trẻ bị trào ngược nhiều lần có thể không hấp thụ đủ dưỡng chất, dẫn đến chậm tăng cân hoặc suy dinh dưỡng.
  • Hít sặc và các vấn đề hô hấp: Dịch dạ dày trào ngược vào phổi, gây ra tình trạng hít sặc, ho kéo dài, thở khò khè, thậm chí là viêm phổi do trào ngược.
  • Ảnh hưởng sự phát triển: Nếu trẻ thường xuyên bị nôn trớ và khó chịu, sẽ gây rối loạn giấc ngủ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Trẻ có thể quấy khóc, cáu gắt liên tục do cảm giác khó chịu, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của cả trẻ và gia đình.

Phương pháp chẩn đoán

Việc chẩn đoán trào ngược dạ dày ở trẻ em đòi hỏi sự kết hợp giữa các phương pháp dưới đây:

Hỏi bệnh sử - khám lâm sàng:

  • Hỏi bệnh sử: Bác sĩ hỏi về các triệu chứng của trẻ, tần suất nôn trớ, đặc điểm chất nôn, thời gian xuất hiện triệu chứng, chế độ ăn uống, các bệnh lý kèm theo,...
  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ khám tổng quát, đánh giá tình trạng sức khỏe chung của trẻ, kiểm tra vùng bụng, nghe phổi,...

Đưa trẻ đi thăm khám khi có dấu hiệu bất thường
Đưa trẻ đi thăm khám khi có dấu hiệu bất thường

Tiến hành xét nghiệm:

  • Nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng: Giúp quan sát trực tiếp niêm mạc thực quản, dạ dày, tá tràng, phát hiện các tổn thương do trào ngược gây ra.
  • Đo pH thực quản 24 giờ: Phương pháp này giúp đo độ pH trong thực quản trong 24 giờ, xác định tần suất và mức độ trào ngược axit.
  • Chụp X-quang thực quản với barium: Giúp đánh giá hình dạng và chức năng của thực quản, phát hiện các bất thường như hẹp thực quản.
  • Nghiên cứu độ rỗng dạ dày: Đánh giá tốc độ thức ăn di chuyển từ dạ dày xuống ruột non. Trẻ bị trào ngược dạ dày có thể có tốc độ rỗng dạ dày chậm hơn.
  • Sinh thiết: Trong trường hợp nghi ngờ có biến chứng, bác sĩ có thể lấy mẫu mô thực quản để xét nghiệm.

Hướng dẫn chăm sóc và phòng ngừa trẻ bị trào ngược dạ dày

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh trào ngược hiệu quả tại nhà:

  • Chia nhỏ bữa ăn: Cha mẹ cần chia các bữa ăn của trẻ thành nhiều bữa trong ngày để tránh ăn quá no, giúp giảm áp lực lên dạ dày.
  • Thay đổi tư thế: Bế trẻ ở tư thế thẳng đứng sau khi ăn khoảng 30 phút, đồng thời nâng cao đầu giường của trẻ khi ngủ (khoảng 15 - 20 độ) để giúp thức ăn di chuyển xuống dạ dày.
  • Thay đổi sữa công thức: Nếu trẻ bú sữa công thức, bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng loại sữa dễ tiêu hóa hơn hoặc sữa không chứa đạm bò.
  • Chọn thức ăn dễ tiêu: Đối với trẻ lớn hơn, ưu tiên các loại thức ăn mềm, lỏng, ít béo, tránh các Bế trẻ ở tư thế thẳng đứng sau khi ăn khoảng 30loại thức ăn khó tiêu, đồ ăn chiên rán, đồ ăn cay nóng, đồ uống có ga.
  • Kiểm soát cân nặng: Đảm bảo trẻ duy trì cân nặng khỏe mạnh, vì thừa cân có thể tạo áp lực lên dạ dày, làm tăng nguy cơ trào ngược.
  • Hạn chế cho trẻ nằm ngay sau khi ăn: Nên để trẻ hoạt động nhẹ nhàng hoặc chơi đùa sau khi ăn thay vì nằm ngay, giúp tiêu hóa tốt hơn và giảm nguy cơ trào ngược.
  • Tránh ép bụng trẻ: Không mặc quần áo quá chật cho trẻ, tránh bế xốc nảy sau khi ăn.

Bế trẻ ở tư thế thẳng đứng sau khi ăn để tránh trào ngược
Bế trẻ ở tư thế thẳng đứng sau khi ăn để tránh trào ngược

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Mặc dù đa phần các trường hợp là sinh lý và tự khỏi, nhưng nếu có những dấu hiệu dưới đây, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ:

Trẻ sơ sinh (khoảng dưới 12 tháng tuổi):

  • Nôn trớ nhiều lần trong ngày, phun sữa thành vòi.
  • Nôn ra máu hoặc nôn dịch mật màu xanh lá cây.
  • Khó thở, thở khò khè, ho khan kéo dài.
  • Bú kém, biếng ăn, sụt cân hoặc chậm tăng cân.
  • Quấy khóc nhiều, kém linh hoạt, cơ thể cứng đờ.
  • Trớ kèm theo sốt, tiêu chảy.

Trẻ lớn hơn 12 tháng tuổi:

  • Các triệu chứng trên kéo dài hoặc diễn biến nặng hơn.
  • Trẻ than phiền ợ nóng, đau ngực, khó nuốt.
  • Ho về đêm, khàn giọng.
  • Biếng ăn, chậm lớn.

Cách chữa trào ngược dạ dày ở trẻ em hiệu quả

Đối với những trường hợp trào ngược nghiêm trọng hoặc dai dẳng sẽ cần áp dụng một số phương pháp điều trị dưới đây:

Sử dụng thuốc:

  • Thuốc kháng acid: Nhóm thuốc này giúp trung hòa axit dạ dày, giảm triệu chứng ợ nóng, nôn trớ.
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): PPI ức chế sản xuất axit dạ dày, giúp làm lành các tổn thương ở thực quản.
  • Thuốc tăng cường co bóp dạ dày: Giúp thức ăn di chuyển nhanh hơn từ dạ dày xuống ruột non, giảm trào ngược.
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Tạo lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm kích ứng do axit.

Phẫu thuật:

  • Chỉ định: Áp dụng trong trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả, trẻ có biến chứng nặng hoặc trào ngược gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
  • Phương pháp phẫu thuật: Phẫu thuật Nissen fundoplication là phương pháp phổ biến nhất, giúp tăng cường cơ vòng thực quản dưới, ngăn không cho axit và thức ăn trào ngược lên thực quản.

Bài viết cung cấp thông tin hữu ích giúp cha mẹ hiểu rõ về tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ em. Hãy chú ý đến chế độ ăn uống, tư thế của trẻ và đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường. Việc chẩn đoán, điều trị kịp thời vô cùng quan trọng nhằm ngăn ngừa biến chứng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.



Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Triệu chứng
Điều trị phòng ngừa

Danh sách Bác sĩ - Chuyên gia

Xem tất cả

Danh sách Cơ sở y tế

Xem tất cả