4 Chỉ Số Mỡ Máu: Ý Nghĩa, Ký Hiệu Và Cách Đọc Chính Xác, Dễ Hiểu

Cập nhật: 18/06/2024 Theo dõi trên goole news

Chỉ số mỡ máu giúp đánh giá mức độ mỡ trong máu và các yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch khác. Vậy từng chỉ số có ý nghĩa như thế nào? Cách đọc trên phiếu xét nghiệm mỡ máu ra sao? Tất tần tật các thông tin quan trọng về chỉ số mỡ máu được tổng hợp trong bài viết sau, mời bạn đọc tham khảo. 

Nội dung bài viết được kiểm duyệt bởi Hội đồng chuyên gia Dự án Bảo vệ Tim mạch Việt Nam.

1.4 chỉ số mỡ máu cơ bản và ý nghĩa

Mỡ máu gồm 2 thành phần chính là cholesterol và triglycerid. Tuy nhiên, cholesterol không tan trong máu nên nó cần kết hợp với protein tự do khác để vận chuyển. Khi cholesterol kết hợp với lipoprotein tỷ trọng thấp, nó được gọi là lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp (ký hiệu LDL-C). Khi cholesterol kết hợp với lipoprotein tỷ trọng cao, nó được gọi là lipoprotein cholesterol tỷ trọng cao (ký hiệu HDL – C).

Do đó, để định lượng mỡ trong máu, bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá 4 chỉ số chính gồm cholesterol toàn phần, LDL – C, triglyceride, HDL – C. Đơn vị đo chỉ số mỡ máu có thể là mg/dL hoặc mmol/L. 

1.1 Cholesterol toàn phần 

Cholesterol toàn phần là tổng lượng cholesterol có trong máu, bao gồm HDL – C,  LDL – C và chất béo trung tính triglyceride. 

Cholesterol được tổng hợp và ester hóa (kết hợp với acid béo) chủ yếu tại gan. Cơ thể người có khoảng 70% cholesterol được tổng hợp và este hóa tại gan, 30% được di chuyển vào máu. Tuy nhiên khi thực hiện xét nghiệm mỡ máu, chúng không tách rời được mà đo lường cả 2 loại cholesterol lại với nhau. 

Đánh giá Cholesterol toàn phần theo các ngưỡng như sau: 

  • Bình thường: <200 mg/dL (5,1 mmol/L)
  • Mức ranh giới cao: Từ 200 – 239 mg/dL (5,1 – 6,2 mmol/L)
  • Mức cao: >= 240 mg/dL (6,2 mmol/L) 

Cholesterol toàn phần càng cao càng dễ gây lắng đọng mỡ trong máu dẫn tới xơ vữa động mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, gây tắc mật, đái tháo đường,… 

1.2 LDL – Cholesterol 

LDL – Cholesterol có tên đầy đủ theo tiếng anh là low density lipoprotein cholesterol, (lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp). LDL – Cholesterol được coi là “cholesterol xấu” vì chúng tích tụ trong lòng mạch làm xơ vữa động mạch, dẫn tới tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch khác. Theo đó LDL – C càng cao càng gây hại cho sức khỏe.

Đánh giá LDL – Cholesterol theo các ngưỡng như sau: 

  • Bình thường: < 130 mg/dl (3,3 mmol/ L) 
  • Mức ranh giới cao: Từ 130 – 159 mg/dl (3,3 – 4,1 mmol/L)
  • Mức cao: >160 mg/dl (4,1 mmol/L) 

Chỉ số mỡ máu LDL - Cholesterol

1.3 HDL – Cholesterol

HDL – Cholesterol tên đầy đủ là High Density Lipoprotein Cholesterol (còn gọi là lipoprotein cholesterol tỷ trọng cao). HDL – C được xem là mỡ máu tốt, có vai trò vận chuyển các loại cholesterol xấu về gan để tiêu hủy, bảo vệ thành mạch, bảo vệ sức khỏe tim mạch. 

Đánh giá HDL – C theo các ngưỡng như sau: 

  • Bình thường: > 50 mg/dL (>1.3mmol/l)
  • Ngưỡng thấp: < 40 mg/dL (<1 mmol/l)

HDL – C càng giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và các biến chứng trên tim mạch càng tăng. 

1.4 Triglyceride

Triglyceride là chất béo trung tính có mặt nhiều ở tế bào gan và tế bào mỡ. Triglycerid được sản sinh từ 2 nguồn, đó là thức ăn và do gan tổng hợp. Khi vào cơ thể chúng được phân tách hấp thụ thành năng lượng. Khi nồng độ triglyceride quá lớn, thừa nhiều so với nhu cầu cơ thế sẽ tích tụ lại trong máu gây rối loạn mỡ máu và nhiều biến chứng khác. 

Đánh giá Triglyceride theo các ngưỡng như sau: 

  • Bình thường: <150 mg/dL (1,7 mmol/L)
  • Mức ranh giới cao: 150 – 199 mg/dL (1.7 – 2 mmol/L)
  • Mức cao: 200 – 499 mg/dL (2 – 6 mmol/L)
  • Mức rất cao: > 500 mg/dL (trên 6 mmol/L)

Tương tự như cholesterol, triglyceride tăng cao dễ gây xơ vữa động mạch và các biến chứng tim mạch khác. Ngoài ra, khi triglyceride ở mức rất cao (trên 500 mg/dL) có thể gây viêm tụy cấp. 

2. Bảng chỉ số mỡ máu và ký hiệu 

Các chỉ số mỡ máu có trong phiếu xét nghiệm có thể được viết theo tên tiếng Anh, tiếng Việt hoặc viết tắt. Tham khảo bảng sau để nhận biết các ký hiệu chỉ số mỡ máu và khoảng giá trị bình thường. 

Bảng chỉ số mỡ máu

3. Hướng dẫn cách đọc chỉ số mỡ máu

3.1 Chỉ số mỡ máu bình thường 

Chỉ số mỡ máu bình thường khi cả 4 chỉ số trên đều nằm trong ngưỡng cho phép, tức là nằm trong khoảng tham số bình thường theo bảng hướng dẫn ở trên. 

3.2 Chỉ số mỡ máu bao nhiêu là cao? 

Chỉ số mỡ máu cao là khi có ít nhất 1 trong 4 các chỉ số trên nằm ngoài ngưỡng cho phép, cụ thể như sau: 

  • Cholesterol toàn phần: > 200 mg/dL (>5,1mmol/L)
  • LDL Cholesterol: > 160 mg/dL (3,3 mmol/L)
  • HDL Cholesterol: < 40 mg/dL (>1,1mmol/L)
  • Triglyceride: > 150 mg/dL (1,7 mmol/L)

3.3 Chỉ số mỡ máu bao nhiêu là nguy hiểm? 

Các chỉ số mỡ máu nằm ngoài ngưỡng cho phép đều có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào nồng độ mỡ trong máu và các yếu tố khác như tình trạng sức khỏe, bệnh nền, nguy cơ tim mạch. Bạn nên lắng nghe ý kiến bác sĩ để được đánh giá đúng mức độ nguy hiểm và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe tốt nhất, tránh các biến chứng đáng tiếc. 

Khi LDL – C, cholesterol, triglycerid càng cao hoặc HDL – C càng nhỏ thì nguy cơ gây xơ vữa động mạch, đột quỵ, các bệnh tim mạch càng lớn. 

Mỡ máu tăng cao làm tăng nguy cơ đột quỵ

Mức khuyến cáo chỉ số LDL – C gây có thể nguy hiểm như sau: 

  • Nguy cơ bệnh lý tim mạch cao (có bệnh mạch vành hoặc có các bệnh tương đương bệnh mạch vành (nguy cơ 10 năm > 20%)): LDL – C > 100 mg/dL.
  • Nguy cơ bệnh lý tim mạch trung bình cao (có từ 2 yếu tố nguy cơ (nguy cơ 10 năm 10-20%)): LDL – C > 130 mg/dL
  • Nguy cơ bệnh lý tim mạch trung bình (có từ 2 yếu tố nguy cơ (nguy cơ 10 năm < 10%)): LDL – C > 160mg/dL 
  • Nguy cơ bệnh lý tim mạch trung bình (có 0 – 1 yếu tố nguy cơ, không có bệnh mạch vành hay bệnh tương đương bệnh mạch vành): LDL – C > 190 mg/dL

4. Xét nghiệm chỉ số mỡ máu 

4.1 Bộ xét nghiệm mỡ máu là gì?

Bộ xét nghiệm mỡ máu là 4 chỉ số mỡ máu ở trên gồm cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, HDL Cholesterol và triglyceride. Thông thường để đánh giá mức độ mỡ trong máu và nguy cơ tim mạch, đưa ra phác đồ điều trị hợp lý, bác sĩ sẽ tiến hành đo lường cả 4 chỉ số ở trên. 

4.2 Xét nghiệm mỡ máu bao nhiêu tiền?

Chi phí xét nghiệm mỡ máu phụ thuộc vào cơ sở và dịch vụ thực hiện. Chi phí trung bình khoảng 25.000 đồng đến 50.000 đồng/ 1 chỉ số. 

4.3 Xét nghiệm mỡ máu có cần nhịn ăn không? 

Thức ăn có ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm mỡ máu, do đó người bệnh thực hiện kiểm tra chỉ số máu nhiễm mỡ cần nhịn ăn tối thiểu 12h. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện lấy mẫu máu để định lượng mỡ máu vào buổi sáng, sau khi thức dậy và chưa ăn uống gì (trừ nước lọc tinh khiết). 

4.4 Xét nghiệm mỡ máu bao lâu một lần? 

Xét nghiệm mỡ máu bao lâu 1 lần phụ thuộc vào tình hình sức khỏe, môi trường công việc,… Cụ thể một số trường hợp như sau: 

  • Người đang điều trị rối loạn mỡ máu, cần thực hiện lịch khám và xét nghiệm theo hướng dẫn của bác sĩ, thường là sau 1 đợt điều trị khoảng 1 – 3 tháng. 
  • Người có bệnh tim mạch kèm tiền sử mỡ máu cao nên thực hiện khoảng 2 – 3 lần/ năm. 
  • Với đối tượng có yếu tố nguy cơ mỡ máu cao như: Tiền sử gia đình có người mỡ máu cao, người thừa cân, béo phì, ít vận động, thói quen ăn uống không khoa học, bệnh nền (tiểu đường, huyết áp,…) nên xét nghiệm 1 – 2 lần/ năm. 
  • Người bình thường (trên 20 tuổi) nên thực hiện 5 năm/ lần.

5. Cách kiểm soát chỉ số mỡ máu 

Để kiểm soát máu nhiễm mỡ, bạn cần có lối sống khoa học theo hướng dẫn như sau: 

  • Hạn chế ăn thực phẩm làm tăng chỉ số máu nhiễm mỡ: Hạn chế ăn thịt đỏ, mỡ, nội tạng động vật; thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, bơ, lòng đỏ trứng gà,… 
  • Tăng cường ăn thực phẩm giàu chất xơ hòa tan: Rau xanh, các loại củ quả,… 
  • Vận động thể lực giúp tăng cường chuyển hóa mỡ: Nên tập ít nhất 30 phút/ ngày, lựa chọn các phương pháp tập theo sở thích và điều kiện. Có thể tham gia các câu lạc bộ thể thao để duy trì thói quen. 
  • Hạn chế sử dụng thuốc lá: Vì thuốc lá làm tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch và làm tăng các chỉ số máu xấu, giảm các chỉ số máu tốt. 
  • Kiểm soát stress: Nên để tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng vì tình trạng này kéo dài dễ làm sản sinh cortisol gây tăng các chỉ số mỡ máu. 

Bài viết trên cung cấp đầy đủ các thông tin quan trọng nhất về chỉ số mỡ máu và cách kiểm soát. Nếu còn vấn đề băn khoăn cần giải đáp, liên hệ ngay tới HỘI ĐỒNG CHUYÊN GIA ĐẦU NGÀNH Dự án Bảo vệ tim mạch Việt Nam để được tư vấn hoàn toàn miễn phí. 

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

EMC Đã kết nối EMC