Tăng Cholesterol Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Điều Trị Hiệu Quả Nhất 

Cập nhật: 18/06/2024 Theo dõi trên goole news

Tăng cholesterol máu là khi lượng mỡ xấu tăng quá mức và/ hoặc mỡ tốt giảm dưới ngưỡng cho phép. Điều này làm tăng nguy cơ gây nên các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, viêm tụy cấp,… Bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng, thường được phát hiện nhờ xét nghiệm máu. Vậy cách điều trị tăng cholesterol là gì? Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả, mời bạn đọc tham khảo trong bài viết dưới đây.

Nội dung bài viết được kiểm duyệt bởi Hội đồng chuyên gia Dự án Bảo vệ Tim mạch Việt Nam

Tăng cholesterol máu là gì?

Cholesterol máu là thành phần quan trọng với cơ thể, có mặt ở nhiều tế bào. Cholesterol có chức năng quan trọng giúp xây dựng mô mới và sửa chữa tổn thương cho các mô; điều tiết sản xuất một số loại hormon, tạo acid mật trong gan tiêu hóa thức ăn,…  Do đó, sự mất cân bằng cholesterol gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. 

Cholesterol không tan trong nước, do đó chúng được kết hợp với protein để di chuyển trong máu. Vì vậy, cholesterol được chia thành 2 loại dựa theo lipoprotein kết hợp:

  • LDL – Cholesterol (cholesterol xấu): Cholesterol trọng lượng thấp 
  • HDL – Cholesterol (cholesterol tốt): Cholesterol trọng lượng cao

Tăng cholesterol máu là khi lượng cholesterol xấu (tức LDL-C) tăng lên quá mức cho phép và hoặc cholesterol tốt (tức HDL-C) giảm dưới ngưỡng cho phép gây tăng hình thành các mảng xơ vữa và nhiều biến chứng tim mạch khác. 

Tăng cholesterol

Cholesterol máu bao nhiêu là cao? 

Chỉ số cholesterol trong máu cao là khi có ít nhất 1 trong 3 loại cholesterol ở ngoài mức cho phép. Trong đó 2 chỉ số cholesterol toàn phần và LDL – Cholesterol tăng, còn chỉ số HDL – Cholesterol giảm. 

Cụ thể giá trị của các chỉ số cholesterol trong máu ở mức bình thường và mức cao như sau: 

Cholesterol toàn phần 

  • Bình thường: Dưới 200 mg/dL (5,1 mmol/L)
  • Cao: Từ 200 – 239mg/dL (5,1 – 6,2 mmol/L)
  • Rất cao: Từ  240 mg/dL (6,2 mmol/L)

LDL – Cholesterol

  • Bình thường: Dưới 130 mg/dL
  • Mức ranh giới cao: Từ 160 mg/ dL
  • Cao: Từ 190 mg/dl 

HDL – Cholesterol 

  • Bình thường: Trên 50 mg/dL. 
  • Thấp: Dưới 40 mg/dL

Cholesterol tăng bao nhiêu là nguy hiểm? 

Để đánh giá mức độ nguy hiểm của tăng cholesterol máu, bác sĩ chuyên khoa cần kết hợp chỉ số cholesterol (xét nghiệm máu) với các yếu tố nguy cơ khác. Các yếu tố cần xem xét gồm có: Giới tính, độ tuổi, có hút thuốc lá không, có bệnh lý huyết áp không, tiền sử bệnh lý gia đình, tiền sử bệnh lý bản thân. 

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể kết hợp với thang điểm Score để đánh giá nguy cơ bệnh lý tim mạch của người tăng cholesterol. Với người bình thường, chỉ số LDL – C trên 190 mg/dL được xem là nguy hiểm; với người có yếu tố nguy cơ tim mạch cao, LDL – Cholesterol được cảnh báo có thể từ ngưỡng 70 mg/ dL. 

Vì mỗi trường hợp là khác nhau và cần sự xem xét kỹ lưỡng từ bác sĩ chuyên khoa, tốt nhất người bệnh nên tham vấn từ bác sĩ trực tiếp thăm khám và điều trị cho mình để biết ngưỡng cholesterol đang ở mức độ nguy hiểm nào. 

Nguyên nhân cholesterol cao

Cholesterol trong máu tăng do 2 nhóm nguyên nhân chính: Do gen (có liên quan tới yếu tố di truyền, được gọi là nguyên nhân nguyên phát) và do các tác động từ bên ngoài (được gọi là nguyên nhân thứ phát).

Do gen: Đột biến các gen liên quan tới chức năng điều hòa, chuyển hóa cholesterol trong máu, dẫn tới gây hiện tượng rối loạn mỡ máu, tăng cholesterol. Nếu do nguyên nhân này, bệnh tăng cholesterol máu có tính chất gia đình, có nghĩa là nhiều thành viên trong nhà cùng bị bệnh.

Do tác động bên ngoài (nguyên nhân chủ yếu hiện nay): 

  • Ăn uống không khoa học: Ăn nhiều các thực phẩm giàu chất béo bão hòa ( thịt đỏ (thịt bò, thịt chó, thịt trâu), lòng đỏ trứng, mỡ, da, nội tạng động vật); chất béo transe (có nhiều trong bánh quy, bơ); đồ chiên rán, đồ ăn liền, nước uống có gas,… 
  • Lười vận động: Làm giảm khả năng chuyển hóa, đào thải mỡ dư thừa thành năng lượng, tích tụ gây béo phì, hình thành cholesterol
  • Sử dụng nhiều rượu: Làm tăng tổng hợp cholesterol toàn phần 
  • Thường xuyên sử dụng thuốc lá: Gây tăng chỉ số LDL – Cholesterol và tăng nguy cơ biến chứng
  • Do biến chứng của một số bệnh lý: Tiểu đường, bệnh lupus ban đỏ, bệnh thận mãn tính,… 
  • Tác dụng phụ của thuốc: Thuốc bổ sung estrogen ở nữ giới, thuốc lợi tiểu,…
  • Tuổi cao: Tuổi càng cao khả năng cholesterol tăng càng lớn

Triệu chứng cholesterol cao

Cholesterol máu cao thường không có triệu chứng biểu hiện bên ngoài ở giai đoạn sớm. Chỉ khi lượng mỡ máu xấu tích tụ lâu năm, người bệnh có 1 số dấu hiệu sau: 

  • Thường xuyên có cảm giác tức ngực khó thở 
  • Mệt mỏi, tê bì chân tay do giảm tưới máu tới các đầu ngón chân, ngón tay.
  • Thấy các u nhỏ màu vàng dưới da, ở mí mặt hoặc đầu gối, bàn tay, khuỷu tay,…

Tê bì tay chân do tăng cholesterol

Xét nghiệm máu là cách duy nhất để phát hiện và chẩn đoán tăng cholesterol. Vì nồng độ cholesterol bị ảnh hưởng bởi thức ăn, do đó bạn nên thực hiện xét nghiệm vào buổi sáng sớm, khi đã nhịn ăn khoảng 12h. Xét nghiệm cholesterol cho kết quả nhanh, thường chỉ cần đợi từ 1 – 2 giờ.

Biến chứng nguy hiểm của tăng cholesterol 

Cholesterol tăng âm thầm gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe, là nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ não và các bệnh tim mạch nguy hiểm khác.

Nếu không được can thiệp kịp thời, cholesterol tăng cao có thể dẫn tới các biến chứng sau: 

  • Đột quỵ não: Cholesterol cao được xem là nguyên nhân chính dẫn tới đột quỵ não do tăng hình thành các mảng xơ vữa, làm hẹp hoặc tắc lòng mạch đột ngột. Thống kê cho thấy có khoảng 93% các ca đột quỵ có liên quan tới tăng cholesterol, rối loạn lipid máu. 
  • Đái tháo đường: Lượng cholesterol tăng quá mức sẽ gây ra hiện tượng kháng insulin (giảm sản xuất insulin) gây đái tháo đường. Khi một người mắc đồng thời cả 2 bệnh này, nguy cơ tử vong và tổn thương mạch máu cao hơn gấp nhiều lần so với bệnh đái tháo đường không tăng cholesterol. 
  • Gây mỡ gan, xơ gan: Gan là nơi tổng hợp, chuyển hóa cholesterol. Khi lượng cholesterol tăng cao dẫn tới không được chuyển hóa kịp, tích tụ tạo thành mỡ gan, xơ gan hiện chưa có thuốc chữa. 
  • Bệnh tim mạch khác: LDL – Cholesterol tăng dẫn tới tăng hình thành các mảng xơ vữa gây tắc mạch, hẹp lòng mạch dẫn tới một số bệnh lý tim mạch nguy hiểm như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột tử,…

Điều trị tăng cholesterol máu 

Mục tiêu điều trị tăng cholesterol máu nhằm đưa các chỉ số cholesterol về ngưỡng an toàn, giảm thiểu tối đa biến chứng. 

Trong đó, tất cả các bệnh nhân tăng cholesterol máu đều được khuyến cáo cần thay đổi lối sống. Đồng thời, phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ mỡ máu, yếu tố nguy cơ,… mà bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn phác đồ điều trị bằng thuốc cho phù hợp. 

Thay đổi lối sống hạ cholesterol máu

Các lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày mà người cholesterol cao thực hiện: 

  • Tiết chế ăn uống: Hạn chế ăn thịt đỏ, nội tạng và mỡ động vật; các loại đồ ăn chiên rán; đồ đóng hộp; lòng đỏ trứng, các loại bánh ngọt, nước uống có gas. Nên ăn nhiều rau xanh, củ quả, thịt trắng, cá; Ưu tiên chế biến dạng hấp, luộc; Ăn nhạt,… 
  • Tăng cường vận động thể lực: Nên tham gia thể thao hoặc các hoạt động thể lực tối thiểu 30 phút/ ngày, 5 lần/ tuần. Điều này giúp tăng sản sinh HDL – Cholesterol (mỡ máu tốt), tăng đào thải LDL – Cholesterol (mỡ xấu) và giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch. 
  • Hạn chế bia rượu: Lạm dụng rượu dẫn tới làm tăng các nguy cơ bệnh lý tim mạch và tăng cholesterol xấu. Tốt nhất bạn nên hạn chế uống rượu tối đa. 
  • Hạn chế thuốc lá: Các hoạt chất độc hại có trong khói thuốc lá sẽ làm tăng các chỉ số cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt. Sau 1 năm bỏ thuốc lá, nguy cơ tim mạch giảm 1 nửa. 
  • Kiểm soát cân nặng: Nên duy trì cân nặng trong ngưỡng cho phép với chỉ số BMI nên dưới 25.

Khuyến cáo: Thay đổi lối sống là phương pháp hỗ trợ điều trị tăng cholesterol nên thực hiện đầu tiên cả trước, trong và sau điều trị. 

Áp dụng cách điều trị dân gian

Kinh nghiệm dân gian thường sử dụng một số loại lá, quả đun nước uống hàng ngày để giảm mỡ máu. Một số phương pháp và cách dùng như sau: 

  • Uống nước lá sen hạ mỡ máu: Lá sen theo Đông y có vị đắng tính mát, có tác dụng thanh thử thấp giúp ngăn chặn tổng hợp cholesterol hiệu quả. Sử dụng khoảng 15 gam lá sen pha với 1 lít nước âm, ủ trong 15 – 20 phút uống thay nước lọc. 
  • Uống nước giảo cổ lam hạ mỡ máu: giảo cổ lam có vị đắng tính mát, dễ uống. Loại lá này có tác dụng giải độc, kiện tỳ, hóa thấp (phù hợp để trị các chứng đàm ẩm như tăng cholesterol theo y học cổ truyền). Lấy khoảng 40 gam lá giảo cổ lam khô sạch pha với 1 – 1,5 lít nước sôi, ủ ấm uống hàng ngày. 
  • Uống trà xanh hạ mỡ máu: Trà xanh có vị đắng chát, tính mát, với tác dụng tiêu thực, thanh nhiệt, lợi tiểu, giúp ức chế tổng hợp và tăng đào thải cholesterol. Sử dụng khoảng 10 – 15 lá trà xanh tươi, rửa sạch, để ráo cho vào 1 – 1,5 lít nước, ủ ấm uống thay nước lọc. 
  • Uống nước xạ đen giảm mỡ máu: Lá xạ đen khá phổ biến và dễ tìm kiếm, nó có vị hơi chát, đắng. Xạ đen có công dụng chính là tán hàn, tiêu thức ăn, từ đó giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, giảm cholesterol. Lấy khoảng 40 gam lá xạ đen khô đun với 1 lít nước ấm, ủ từ 15 – 20 phút rồi sử dụng hàng ngày thay nước lọc. 
  • Uống chanh mật ong giảm mỡ máu: Chanh mật ong giàu các chất oxy hóa, acid amin có tác dụng tăng cường chuyển hóa lipid máu, ức chế tổng hợp cholesterol. Cho 5 –  7 lát chanh cắt mỏng và 1 thìa cafe mật ong vào 100 ml nước ấm khoảng 50 – 60 độ C, đợi khoảng 10 phút rồi uống. Chỉ nên cho khoảng 1 thìa nhỏ mật ong vì sử dụng nhiều có thể gây phản tác dụng và gây nóng. 
  • Giảm mỡ máu bằng tỏi: Tỏi có chứa Allicin, có tác dụng ức chế tổng hợp cholesterol. Có thể sử dụng tỏi giảm cholesterol như: Ngâm rượu tỏi ăn hàng ngày, ăn trực tiếp tỏi đen, uống trà tỏi gừng chanh,…

Nước trà xanh giảm mỡ máu

Lưu ý khi áp dụng các phương pháp dân gian điều trị tăng cholesterol:

  • Cách này chỉ có tác dụng hỗ trợ, chưa được nghiên cứu kiểm chứng rõ ràng về hiệu quả. Người bệnh không nên lạm dụng, nếu được chỉ định thuốc vẫn cần sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. 
  • Nên sử dụng thức uống dưới dạng tinh khiết, không nên pha thêm đường, siro, mật ong để tạo vị ngọt nếu nước có vị đắng chát.
  • Cần tìm nguyên liệu chuẩn bị có nguồn gốc, tránh sử dụng phải các loại lá bẩn, có chứa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản,… có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
  • Nếu chế biến sai có thể không đạt được hiệu quả điều trị. 

Sử dụng thuốc Tây y điều trị tăng cholesterol

Hầu hết các loại thuốc Tây y điều trị tăng mỡ máu đều chỉ được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn vì các loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ như tăng men gan, tổn thương cơ gân, ảnh hưởng chức năng thận, rối loạn tiêu hóa,…

Một số loại thuốc phổ biến:

  • Statin được xem là chỉ định đầu tay của bệnh nhân tăng cholesterol. Tên một số thuốc thường dùng: Simvastatin, Atorvastatin, Rosuvastatin,… Bên cạnh hạ cholesterol, thuốc này còn có tác dụng ngăn ngừa các biến chứng tim mạch.
  • Các thuốc nhóm Fibrat ít được chỉ định hơn, thường được kết hợp với Statin khi có tăng cả triglyceride. Tên một số thuốc phổ biến: Gemfibrozil, Fenofibrate.  
  • Ezetimibe là loại thuốc mới, có tác dụng ức chế hấp thu cholesterol. Thuốc này được dùng đơn độc cho bệnh nhân không đáp ứng hoặc chống chỉ định với Statin, trong một số trường hợp nó được dùng kết hợp với Statin. 
  • Resin gắn acid mật được chỉ định dùng kèm với Statin hoặc đơn độc khi bệnh nhân không đáp ứng hoặc chống chỉ định với Statin. Một số loại thuốc nhóm này: Cholestyramin, Colestipol, Colesevelam
  • Bổ sung Omega 3 theo khuyến cáo của bác sĩ có tác dụng tăng tổng hợp mỡ máu tốt, giảm mỡ máu xấu. 

Các loại thuốc Tây thường tập trung điều trị triệu chứng, hiệu quả trong thời gian dùng thuốc nên rất dễ bị tái phát. Lúc này người bệnh không tự ý dùng thêm thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. 

Thuốc Tây y hạ mỡ máu thường có nhiều tác dụng phụ, chính vì vậy bác sĩ điều trị luôn cân nhắc chi phí – lợi ích khi áp dụng phương pháp này. Một số tác dụng phụ thường gặp và cách xử trí (nếu có hướng dẫn) như sau: 

  • Tăng men gan (tăng transaminase) gây tổn thương gan. Nếu người bệnh tăng chỉ số men gan cao hơn 3 lần ngưỡng bình thường, cần dừng thuốc và theo dõi nguyên nhân. Trong trường hợp tăng men gan dưới 3 lần ngưỡng bình thường, sử dụng thuốc, theo dõi chỉ số men gan trong 6 tuần. Nếu không có tăng chỉ số men gan, kiểm tra hàng năm hoặc khi tăng liều. 
  • Tăng CK gây tổn thương cơ, thậm chí gây yếu cơ. Nếu Ck tăng cao quá 5 lần, ngừng thuốc và theo dõi nguyên nhân để có phác đồ thuốc phù hợp. Nếu CK tăng dưới 5 lần bình thường, sử dụng dụng thuốc và theo dõi các chỉ số CK thường xuyên. 
  • Ảnh hưởng đến chức năng thận, thậm chí suy thận.
  • Rối loạn tiêu hóa, gây các bệnh về đường tiêu hóa như viêm đại tràng, đau dạ dày,… 
  • Rối loạn thần kinh trung ương gây đau đầu, suy nhược thần kinh, mất ngủ,… 

Lưu ý khi sử dụng thuốc Tây điều trị tăng cholesterol:

  • Thuốc tây dễ xảy ra phản ứng tương tác thuốc với thuốc làm tăng độc tính hoặc mất tác dụng của nhau. Do đó, bạn nên thông báo với bác sĩ về bệnh nền và các loại thuốc đang dùng khác.
  • Không tự ý tăng liều, giảm liều thuốc. 
  • Chú ý thời điểm dùng của thuốc nếu bác sĩ có ghi chú đặc biệt. 
  • Không uống nước bưởi, ăn nhiều bưởi nếu đang dùng thuốc mỡ máu nhóm Statin vì có gây tương tác thuốc – thức ăn làm tăng độc tính trên cơ. 

Sử dụng thuốc Đông y hạ cholesterol 

Thuốc Đông y được xem là lựa chọn đầu tay cho người có cholesterol máu cao bởi 3 ưu điểm nổi bật sau: 

  • Tính an toàn cao, không hoặc rất hiếm xảy ra phản ứng phụ. Thuốc Đông y còn chữa bệnh theo nguyên tắc “nhân cường, tật nhược”, có nghĩa là nâng cao thể trạng để đẩy lùi bệnh tật. 
  • Hiệu quả bền vững, tác động đúng nguyên nhân gây tăng cholesterol, nhờ đó hạn chế tối đa tái phát. 
  • Phù hợp cho nhiều đối tượng, đặc biệt người có bệnh nền như rối loạn đường huyết, bệnh thận, bệnh gan,… 

Các bài thuốc Đông y thường được kê đơn riêng biệt cho từng người bệnh dựa trên mức độ, thể trạng, bệnh lý mắc kèm để đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất. Bác sĩ sẽ kết hợp nhiều vị dược liệu với nhau để hiệp đồng tác dụng, nâng cao hiệu quả. 

Lưu ý khi sử dụng thuốc Đông y hạ cholesterol: 

Bạn nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ giỏi để thăm khám và được kê đơn bài thuốc tốt nhất.

Người bệnh không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vì có thể gây nguy hại cho sức khỏe. 

Thuốc Tây y cho hiệu quả từ từ, bền vững nên cần kiên trì. 

Tăng cholesterol khi nào cần gặp bác sĩ? 

Với người có nguy cơ cao tăng cholesterol, bạn nên kiểm tra thường xuyên 1 – 2 lần/ năm để được phát hiện sớm và có phương án điều trị phù hợp. Các đối tượng có nguy cơ cao như: 

  • Độ tuổi: Nam trên 45 tuổi, nữ trên 55 tuổi
  • Có bệnh nền: Huyết áp, đái tháo đường
  • Thường xuyên hút thuốc lá 
  • Đặc thù công việc ít vận động 
  • Thừa cân, béo phì 
  • Gia đình có người mắc bệnh tăng cholesterol 

tang-lipid-mau-hon-hop

Với người đang điều trị tăng cholesterol, bạn cần chú ý lịch tái khám theo yêu cầu của bác sĩ. Điều này giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả của việc thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc, dự phòng nguy cơ tim mạch. Thông thường khoảng 3  – 6 tháng/ lần tùy mức độ. 

Tăng cholesterol thường chỉ cần điều trị tại nhà, nếu bạn thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường như: thường xuyên mệt mỏi, hạ đường huyết, xuất hiện các cơn đau tức ngực nhiều, đau nhức người,… hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Trong trường hợp này có thể bạn đang gặp phải các phản ứng phụ của thuốc hoặc có nguy cơ gặp biến chứng trên tim mạch. 

Cách phòng ngừa tăng cholesterol máu tại nhà 

Cholesterol máu có thể tăng lại sau khi bạn áp dụng các phương pháp điều trị trên. Để ngăn ngừa tái phát hiệu quả, người bệnh cần chú ý:

  • Luôn duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh theo hướng dẫn ở trên, đặc biệt chú ý chế độ ăn và vận động thể lực mỗi ngày
  • Thăm khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ
  • Có thể ưu tiên các phương pháp điều trị theo y học cổ truyền vì chúng giúp thiết lập lại cân bằng chuyển hóa, hạn chế được tình trạng tái lại

Giải đáp câu hỏi liên quan về tăng cholesterol

Cholesterol cao nên ăn gì?

Gợi ý một số thực phẩm cho người tăng cholesterol máu nên ưu tiên ăn hàng ngày: 

  • Tăng rau xanh, nên ăn hàng ngày 
  • Trái cây tươi
  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Thịt trắng
  • Sữa tách béo

Bị cholesterol cao không nên ăn gì? 

Các món ăn mà người cholesterol tăng cần hạn chế tối đa để hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa tái phát: 

  • Thịt đỏ: thịt bò, thịt chó, thịt trâu
  • Mỡ động vật
  • Nội tạng động vật 
  • Phô mai, bơ, kem 
  • Thực phẩm chiên rán
  • Thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp
  • Bánh ngọt
  • Nước uống có gas
  • Lòng đỏ trứng gà
  • Thức ăn quá mặn

Tăng cholesterol máu đơn thuần là gì?

Tăng cholesterol đơn thuần là bệnh lý do yếu tố di truyền, có tính chất gia đình. Người bệnh được di truyền từ bố, mẹ hoặc cả 2 về sự bất thường gen trên nhiễm sắc thể 19. Ước tính cứ khoảng 250 người trên thế giới có khoảng 1 người mắc.  

Bệnh này thường khởi phát từ sớm với một số dấu hiệu như: Thừa cân, béo phì,… Tuy nhiên, các triệu chứng này thường hay bị bỏ qua và người bệnh không phát hiện bệnh sớm.

Để chẩn đoán tăng cholesterol máu đơn thuần, người bệnh cần được kết hợp 3 phương pháp chính: Quan sát các dấu hiệu bên ngoài, xét nghiệm cholesterol máu, xét nghiệm di truyền. 

Các nghiên cứu cho thấy, tăng cholesterol máu đơn thuần có nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong cao hơn khi còn trẻ. Người bệnh nên duy trì lối sống khoa học, phối hợp với bác sĩ chuyên khoa để được kê đơn các thuốc mỡ máu phù hợp nhất. 

Cách tăng cholesterol tốt 

Cách tăng cholesterol tốt là làm tăng chỉ số HDL – Cholesterol. Người bệnh nên:

  • Tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu omega 3 vì giúp tăng tổng hợp cholesterol: Chúng có nhiều trong các loại cá béo như các trích, cá hồi, cá mòi, cá bơn.
  • Hạn chế hút thuốc và uống rượu bia.
  • Tăng cường vận động.
  • Bổ sung các loại dầu dừa, dầu oliu vào chế độ ăn vì các nghiên cứu cho thấy nhóm dầu này có tác dụng hỗ trợ tăng cholesterol tốt. 

Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã có thêm thông tin hữu ích về tăng cholesterol, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Để được tư vấn miễn phí về cholesterol và các bệnh lý tim mạch khác, liên hệ ngay tới HỘI ĐỒNG CHUYÊN GIA Dự án Bảo vệ tim mạch Việt Nam tại đây. 

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

EMC Đã kết nối EMC